Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai 22/5: Bình yên trong những ngôi nhà chống lũ

Nhà chống lũ đã thể hiện rõ ràng tác dụng của mình tại vùng rốn lũ miền Trung Ảnh: TTXVN
Nhà chống lũ đã thể hiện rõ ràng tác dụng của mình tại vùng rốn lũ miền Trung Ảnh: TTXVN

Thiên tai ngày càng khốc liệt, chuyện “sống chung” với lũ đã trở thành một phần cuộc sống của người dân miền Trung. Việc xây những căn nhà an toàn chống lũ không chỉ giúp các hộ nghèo kiên cố hóa nhà ở, yên tâm sản xuất, xây dựng cộng đồng an toàn, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới, mà còn chủ động giảm nhẹ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai 22/5: Bình yên trong những ngôi nhà chống lũ ảnh 1Nhà chống lũ đã thể hiện rõ ràng tác dụng của mình tại vùng rốn lũ miền Trung Ảnh: TTXVN

Nhân rộng những niềm vui

Sống trong ngôi nhà an toàn chống lũ, bà Hồ Thị Lành, xã Lộc An, huyện Lộc Phú, tỉnh Thừa Thiên - Huế, không giấu được xúc động: Nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức, ngôi nhà chống lũ của gia đình đã được xây dựng năm 2018, với diện tích 15m2 nhưng rất kiên cố, giúp gia đình vượt qua mùa bão, lũ. Nhiều hộ dân xung quanh còn mang đồ dùng, lương thực, thực phẩm đến gửi. Việc xây dựng những căn nhà chống lũ đã giúp các hộ nghèo yên tâm sinh sống, sản xuất.

Gia đình chị Trần Thị Bích, ở thôn Kỳ Bì, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, thuộc diện hộ nghèo của xã. Kinh tế khó khăn nên không có tiền để tu sửa hay xây nhà mới kiên cố, mẹ con chị sống trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp. Mùa mưa lũ về, gia đình chị phải qua nhà người thân trú tránh hoặc phải sơ tán đến khu vực cao hơn. Bởi nước ngập vào nhà ngang đến cổ, leo lên nóc nhà cũng sợ rơi xuống nước.

Mới đây, gia đình chị được nhà nước, các nhà hảo tâm, tổ chức phi Chính phủ và địa phương hỗ trợ hơn 90 triệu đồng, chị Bích vay mượn thêm xây được nhà tránh lũ chắc chắn.

“Ngôi nhà tránh lũ được thiết kế gác lửng kiên cố, với kinh phí hơn 150 triệu đồng. Có căn nhà mới, gia đình không còn lo lắng chạy lũ, bão nữa.”– chị Bích chia sẻ.

Gia đình chị Ngô Thị Tin, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, không còn lo lắng bởi đã có nhà chống lũ được hỗ trợ xây dựng khá kiên cố. Với tổng kinh phí hơn 80 triệu đồng, gia đình chị được Dự án nhà chống lũ của Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững hỗ trợ một nửa. Số tiền còn lại chị vay mượn thêm và xây dựng được một ngôi nhà kiên cố trước mùa mưa bão.

Chị Tin cho biết, nhiều năm trước, cứ mưa lũ là nước dâng ngập nhà, cả gia đình chị rất lo lắng, thường thức trắng đêm và phải sơ tán đi nơi khác để được an toàn. Đợt lũ mới đây, khi nhiều nơi ngập lút mái nhà, gia đình chị vẫn yên tâm và an toàn khi sống trong nhà chống lũ.

Hộ gia đình anh Văn Bá Điệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, thuộc hộ gia đình khó khăn của huyện, đã đăng ký làm nhà an toàn với dự án Nhà chống lũ của Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững năm 2021. “Được dự án hỗ trợ là động lực to lớn cho gia đình tôi làm lại căn nhà. Có nhà vững chắc, an toàn, chúng tôi không phải lo mưa lũ và yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế”, anh Điệp chia sẻ,

Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) Nguyễn Hiệp cho biết, từ chương trình chính sách theo Quyết định số 48/QĐ-TTg, ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, người dân 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận được hỗ trợ xây dựng nhà ở an toàn với mức hỗ trợ 12 - 16 triệu đồng/hộ; vay tối đa 15 triệu đồng/hộ trong 10 năm. Nhà ở phải đảm bảo sàn cao hơn mức ngập lụt cao nhất, diện tích tối thiểu 10m2; kết cấu kiên cố, mái bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu có chất lượng tốt, đảm bảo khả năng phòng, tránh bão. Đến tháng 10/2020, chương trình đã hỗ trợ 19.350/21.600 hộ.

Từ thực tế cho thấy, sự tham gia của các tổ chức xã hội khi có thiên tai xảy ra là hết sức cần thiết, cũng như việc xây dựng nhà an toàn trước thiên tai đối với các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ được xem là giải pháp thiết thực giúp người dân ứng phó với thiên tai.

Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững Phạm Thị Hương Giang cho biết, tháng 11/2013, dự án “Nhà chống lũ” chính thức được thành lập. Dự án gồm 9 mô hình nhà an toàn với các mẫu thiết kế khác nhau, được các thành viên là kiến trúc sư, chuyên gia địa chất trong nhóm nghiên cứu rất tỉ mỉ. Kết cấu nhà an toàn, chi phí rẻ có thể thích ứng được với các loại hình thiên tai và biến đổi khí hậu thường xảy ra tại miền Trung.

Suốt 8 năm qua, dự án đã xây dựng thành công hơn 795 căn đơn lẻ và 120 căn nhà nằm trong hai làng hạnh phúc ở tỉnh Quảng Nam. Các mô hình nhà an toàn được nhóm triển khai trọng điểm tại một số tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ lụt như Quảng Nam, Quảng Bình... Từ các mô hình nhà an toàn này, người dân nghèo sẽ không phải quanh năm lo lắng với mức báo động trên sông, của cải nhiều năm tích cóp cũng được bảo vệ an toàn khi mùa bão lũ tràn về.

Khắc phục thiệt hại sang chủ động ứng phó

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp, cần thay đổi từ tư duy khắc phục thiệt hại sang chủ động ứng phó, xây dựng năng lực chống chịu và nâng cao khả năng thích ứng của cộng đồng. Sự bền vững được tạo nên khi mọi người chung tay thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, năm 2021, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ, lụt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các hộ nghèo theo chuẩn nghèo được pháp luật quy định; hộ chưa có nhà ở kiên cố có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà; hoặc có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà; hoặc có nhà ở được hỗ trợ theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức, đoàn thể, nhưng đã hư hỏng, xuống cấp, chưa kiên cố, chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà…

Ưu tiên hỗ trợ đối với hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (khuyết tật, già cả, neo đơn...); hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ; hộ gia đình còn lại. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ thực hiện với quy mô khoảng 10.000 hộ, tổng kinh phí 100 tỷ đồng.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất Động Sản (Bộ Xây Dựng) cho rằng, việc tiếp tục nghiên cứu xây dựng Chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay để triển khai thực hiện sẽ giúp người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách có cuộc sống an toàn, ổn định, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội là rất cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, tái thiết nhà cửa sau thiên tai là rất cần thiết. Với tinh thần “xây lại tốt hơn”, an toàn hơn, tiện lợi hơn, rẻ hơn, cần làm rõ việc xây dựng nhà ở an toàn phòng, chống bão, lũ có đáp ứng khả năng chi trả của người dân hay không; cần điều chỉnh, bổ sung chính sách để Nhà nước hỗ trợ tốt nhất cho người dân cải tạo, xây dựng nhà ở an toàn trước bão, lũ và về lâu dài phải xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà vùng bão, lũ.

Trong giai đoạn vừa qua, số lượng hộ dân đã được hỗ trợ về nhà ở khoảng 20 nghìn hộ. Tuy nhiên, theo điều tra khảo sát, số lượng hộ nghèo cần được hỗ trợ về nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực 28 tỉnh ven biển Việt Nam hiện nay khoảng 30.000 hộ. Để tiếp tục chính sách hỗ trợ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ trong giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành Dự thảo Chính sách và đang được chuyển lấy ý kiến rộng rãi đến các cơ quan và đối tượng chịu tác động để hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.

Thắng Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm