Ngày trẻ em thế giới 20/11: Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần trẻ em cần sự lắng nghe, thấu hiểu

Ngày trẻ em thế giới 20/11: Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần trẻ em cần sự lắng nghe, thấu hiểu

Cũng như sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên hiện nay, sức khỏe tâm thần, đặc biệt ở trẻ em và thanh, thiếu niên đang bị hiểu lầm hoặc phớt lờ gây nên những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, việc học tập cũng như khả năng phát huy hết tiềm năng của các em.

Từ những chia sẻ thực tế


Chia sẻ tại phần thảo luận các vấn đề liên quan đến sức khoẻ của trẻ em và vị thành niên trong lễ kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới (20/11) do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức, em Trần Quỳnh Giang (17 tuổi đến từ Đà Nẵng) đã chia sẻ câu chuyện đầy cảm xúc, đáng suy ngẫm cho nhiều người về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần cũng như sự thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe của thầy cô, gia đình, người xung quanh đối với trẻ em và vị thành niên.

Vài năm trước, bác sỹ chẩn đoán Quỳnh Giang mắc bệnh trầm cảm lứa tuổi vị thành niên, gia đình đã rất bối rối và hoảng loạn, thậm chí mọi người còn không biết em đã giấu việc trầm cảm rất lâu. Ban đầu, khi phát hiện những vết tự hại trên cơ thể em, ba mẹ cho rằng Giang bị ma ám, vong nhập nên đưa em tới thầy bói, thầy cúng và thực hiện vô số cách chữa trị khó hiểu. Tuy nhiên, tình trạng của Giang không được cải thiện mà còn tệ hơn, khiến em có thêm nhiều cảm xúc tồi tệ.

Trải nghiệm khiến Quỳnh Giang khó quên nhất là lần đang ngồi trong lớp học bỗng nước mắt cứ thế chảy ra, em phải chạy ngay ra nhà vệ sinh để giấu đi bộ dạng của mình khi ấy. Trước đó, Giang đã vắng 3 tiết học mà không có phép nên tiết sinh hoạt cuối tuần cô chủ nhiệm có hỏi em “sao em thiếu trách nhiệm như thế?”. Giang có kể lại lý do nhưng không nhận được sự tin tưởng, lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu của cô giáo. Cô còn gọi điện phàn nàn với ba mẹ em. Từ sự kiện đó, Giang quyết định khép lòng mình lại, không bao giờ chia sẻ những vấn đề khó khăn, trăn trở của mình với ai nữa.

Bản thân Quỳnh Giang cũng đã có trải nghiệm không mấy tốt với hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm lý khi tìm tới 3 địa chỉ khám, chữa bệnh đều gặp phải những rào cản nhất định.

Lần đầu tiên khi em tới bệnh viện, được điểm khá cao trong bài kiểm tra mức độ trầm cảm, thay vì nhận được sự cảm thông từ những người có chuyên môn em lại có cảm giác như họ đang tra khảo để xem mình có cố tình nói dối hay không. Có lẽ do bề ngoài của em nhìn rất vui vẻ, yêu đời. Sau đó, em nhận được những lời khuyên chung chung như tập thể dục, ăn uống đầy đủ, sống tích cực. Tuy nhiên đây không phải thứ em đang tìm kiếm, thứ em cần là sự lắng nghe và thấu hiểu.

Tới địa điểm khám thứ hai thì xuất hiện rào cản về chi phí khi mỗi buổi trị liệu mất đến hàng nghìn đô la Mỹ và không biết bao nhiêu buổi mới xong. Ở địa điểm thứ 3, họ kê cho em rất nhiều thuốc, uống vào đầu óc lúc nào cũng cảm giác như lơ lửng trên mây, người rất mệt không thể làm được việc gì; thậm chí có ngày em ngủ tới 12-13 tiếng mà vẫn cảm thấy không đủ. Vì thế em quyết định không tìm tới sự giúp đỡ nào nữa, cứ để mọi việc tới đâu thì tới!

Còn với Quang Minh (16 tuổi đến từ Hà Nội), vấn đề học tập và thi cử gây cho em rất nhiều áp lực. Những áp lực này vốn đã có sẵn từ lâu nhưng khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giải pháp giãn cách xã hội được thực thi, Minh cũng như bao bạn trẻ khác phải ở nhà để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch thì những áp lực này tăng lên rất nhiều.

Theo Quang Minh, việc học online khiến cho sinh hoạt hàng ngày thay đổi, ăn uống không điều độ. Các hoạt động tương tác, giao lưu bạn bè trở nên khó khăn và nhàm chán, thiếu sinh động, kết nối; việc phải ở nhà cả ngày khiến thời gian nằm trên giường nhiều hơn nên Quang Minh dễ cảm thấy chán nản và mất niềm vui. Trong khi đó, người lớn cũng gặp rất nhiều áp lực và không có thời gian để chia sẻ cùng con cái.

Cần sự thấu hiểu, lắng nghe

Theo chuyên gia tâm lý, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, trong giai đoạn từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở nước ta đến cuối năm 2020, đã có nhiều minh chứng cho thấy những vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần, đặc biệt đối với trẻ em và vị thành niên đã tăng gấp 5-7 lần bình thường. Điều quan trọng là nhiều khi chính các em vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về vấn đề sức khỏe tinh thần nên không biết cách để nói ra cảm xúc với người lớn, làm cho vấn đề sức khỏe tinh thần của các em càng trở nên trầm trọng hơn.

Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam khuyến nghị, khi có cảm xúc tiêu cực, trẻ cần dũng cảm nói ra, chia sẻ câu chuyện với người khác một cách phù hợp để mọi người hiểu mình hơn. Người lớn cần quan tâm đến trẻ, bỏ qua những mối bận tâm trong cuộc sống để dành thời gian lắng nghe những cảm xúc, câu chuyện của các em… Đặc biệt, việc cung cấp kiến thức nâng cao về sức khỏe tâm thần cần phải được chính thức đưa vào các nhà trường để thầy cô, cha mẹ cũng biết được, trở thành “chốt chặn” đầu tiên có thể phát hiện khó khăn, tổn thương của các em để hỗ trợ kịp thời.

Sức khỏe tinh thần là một trong những kỹ năng quan trọng của công dân thế kỷ 21, mỗi bạn nhỏ hãy chăm sóc 4 trụ cột: Thể chất – cảm xúc – xã hội – nhận thức của mình để đảm bảo bản thân có một sức khỏe tinh thần tốt hơn, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Là mẹ của 3 con nhỏ và từng có kinh nghiệm trong việc triển khai dự án hỗ trợ tâm lý và xử lý các vấn đề về trầm cảm ở trẻ em, nhà văn Trang Hạ cho rằng, bố mẹ chính là điểm tựa, bức bình phong nhưng cũng là nền tảng cho sức mạnh tâm lý, tâm thần của con cái. Trẻ em sẽ phải trải qua những thất bại, đau đớn hay thi hỏng ở các kỳ thi, thậm chí hoài nghi về bản thân… Tất cả những điều đó đều tạo nên trải nghiệm và đa số không trở thành một vấn đề tâm lý hay trầm cảm trong tương lai. Bố mẹ là người trải nghiệm với con những vấn đề đó. Nếu bố mẹ nuôi dưỡng những góc nhìn tích cực, hài hước, bao dung với tất cả thất bại của trẻ, học cách công nhận nỗi sợ của con thì sẽ nuôi dưỡng sự tự tin, lạc quan ở con. Ở một góc độ nào đó nó sẽ sinh ra “kháng thể” đối với trầm cảm trong tương lai của trẻ em.

Nhà văn Trang Hạ chia sẻ, cha mẹ không nên chỉ trông chờ vào việc đợi con nói ra, mà cần học cách để hỏi, quan sát, nhìn nhận biểu hiện của con. Nếu thấy con có những biểu hiện lạ, vượt quá tầm hiểu biết, xử lý của bản thân thì cần nói ra, tìm sự hỗ trợ từ người khác hoặc các chuyên gia…

Thực tế cho thấy, sự quan tâm, chia sẻ, lắng nghe, hỗ trợ của những người thân góp phần giúp trẻ có được sức khỏe tâm thần mạnh mẽ, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Câu chuyện của Quỳnh Giang có thể coi là một minh chứng sinh động và rõ nét nhất.

Sau một thời gian rất dài, nhờ sự động viên, giúp đỡ từ gia đình, bạn bè thân thiết, Quỳnh Giang cũng vượt qua giai đoạn trầm cảm. Khi có cơ hội nhìn lại và kết nối với những người có trải nghiệm tốt hơn, Giang nhận ra, ngày cô giáo nói với mình như vậy có thể là bởi giáo viên còn thiếu các kiến thức, kỹ năng cơ bản để hỗ trợ sức khỏe tâm lý chứ không phải họ không muốn hiểu học sinh.

Quỳnh Giang chia sẻ, em nhận thấy, vấn đề sức khỏe tâm thần hiện chưa được chú ý đúng mức. Là người từng trải qua và hiểu được điều này nên em không muốn bạn bè, người thân hay bất kỳ ai phải chịu đựng điều tương tự. Em rất mong hệ thống giáo dục sẽ trang bị thêm cho các giáo viên kỹ năng, kiến thức phân biệt, nhận biết, xử lý các vấn đề về sức khỏe và tâm lý học sinh. Các bạn trẻ hãy cùng chia sẻ vấn đề của mình với mọi người để nhận được sự hỗ trợ. Bố mẹ, những người xung quanh cần xác định rõ tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần để chia sẻ với các em, thực sự lắng nghe, quan sát các em để nhận ra những biểu hiện lo âu, trầm cảm và có cách thức hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Minh Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm