Ngày thơ Việt Nam: Sự hòa quyện giữa trình diễn thơ, âm nhạc, văn hóa các dân tộc Tây Nguyên

Ngày thơ Việt Nam: Sự hòa quyện giữa trình diễn thơ, âm nhạc, văn hóa các dân tộc Tây Nguyên

Ngày 3/2, tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI, năm 2023 chủ đề “thành phố cà phê chung nhịp điệu mới”; đồng thời phát động Cuộc thi sáng tác văn học “thành phố Buôn Ma Thuột - trên những chặng đường phát triển”.

Ngày thơ Việt Nam năm 2023 tại Đắk Lắk diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi như: Chuỗi liên khúc thơ - nhạc, diễn tấu Ki Pah - Ching Knah “Gọi Giàng - Gọi về sum họp”, diễn tấu Ching Kram và mời rượu, diễn tấu Ching Mường “Sắc Bùa mừng Xuân”... Đại biểu đã thực hiện nghi thức thả thơ gồm những câu thơ hay của các bậc thi nhân Việt Nam, nhà thơ xuất sắc trong và ngoài tỉnh thể hiện ước nguyện về thơ ca, niềm tin về cuộc sống tốt đẹp, nhân văn.

Ngày thơ Việt Nam: Sự hòa quyện giữa trình diễn thơ, âm nhạc, văn hóa các dân tộc Tây Nguyên ảnh 1Liên khúc thơ - nhạc tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI, năm 2023 tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Ngoài ra, trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk còn có các hoạt động: Giới thiệu tác phẩm mới “Những phiến lá xanh non” - tập sách Trại bồi dưỡng sáng tác “Hương rừng” năm 2022 của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và tác phẩm “Chuồn chuồn ớt tìm mẹ” của Nhà văn Ngô Hồng Chiến, vẽ thư pháp trình diễn tranh khắc gỗ, ký họa chân dung, triển lãm tranh - ảnh nghệ thuật, trưng bày sách, tạp chí văn học nghệ thuật.

Tại Ngày thơ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tặng tác phẩm ảnh nghệ thuật “Sức sống mới”, chụp diện mạo đô thị ở khu vực ngã 6 Buôn Ma Thuột cho đảng bộ và nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột.

Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk Niê Thanh Mai nhấn mạnh, dịp Xuân mới, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI được tổ chức nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023), hướng về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 qua đó muốn góp những thanh âm trong trẻo, tuyệt vời của các dân tộc ở Tây Nguyên vào sự tưng bừng náo nức của ngày hội thơ. Chương trình Ngày thơ Việt Nam là sự hòa quyện giữa trình diễn thơ, âm nhạc, hội họa, giữa văn hóa các dân tộc Tây Nguyên cùng hoạt động phong phú của nhiều chuyên ngành như văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật. Đây là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca và bày tỏ kỳ vọng vào sự đổi mới của thi ca trong cuộc sống, thể hiện niềm tin về sự phục hồi mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, lan tỏa thơ ca đến nhân dân 49 dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ngày thơ Việt Nam: Sự hòa quyện giữa trình diễn thơ, âm nhạc, văn hóa các dân tộc Tây Nguyên ảnh 2Nghi thức thả thơ trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI, năm 2023 tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Cuộc thi sáng tác văn học “thành phố Buôn Ma Thuột - trên những chặng đường phát triển” được phát động từ nay đến hết ngày 30/10/2023. Tác phẩm dự thi theo các thể loại: Truyện ngắn, bút ký, tùy bút. Nội dung tác phẩm về thành tựu và quá trình phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột trong những năm qua; phong trào xây dựng nông thôn mới; hoạt động lao động sản xuất, công tác học tập và xây dựng cuộc sống mới, xây dựng quê hương thành phố Buôn Ma Thuột giàu đẹp; công cuộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Địa chỉ nhận tác phẩm tại Hội Văn học Nghệ Thuật Đắk Lắk, 172 Điện Biên Phủ, thành phố Buôn Ma Thuột hoặc email: hoivanhoc.cuocthiviet@gmail.com.

Trước đó, tối 2/2, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk tổ chức Đêm thơ - nhạc chủ đề “Buôn Ma Thuột kể chuyện…” với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc cùng vần thơ giàu cảm xúc làm nức lòng các văn nghệ sĩ và người yêu thơ, nhạc trên địa bàn.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm