Ngày Lương thực thế giới: Để thế giới không còn nạn đói vào năm 2030

Ngày Lương thực thế giới: Để thế giới không còn nạn đói vào năm 2030
Các đại biểu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc tại buổi lễ. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN
Các đại biểu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc tại buổi lễ. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN
Năm 2017 là năm thứ ba liên tiếp thế giới chứng kiến sự gia tăng của nạn đói và số người suy dinh dưỡng, với 821 triệu người đói – tức 11% dân số hoặc cứ 9 người thì có 1 người trên hành tinh thuộc diện đói. Trong khi đó, nhiều dạng suy dinh dưỡng khác cũng tăng lên, ít nhất 1,5 tỷ người trong năm 2017 bị thiếu vi chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Ngày Lương thực thế giới và mục tiêu Không còn nạn đói cũng đã thể hiện tinh thần của quan hệ hợp tác thành công giữa FAO và Chính phủ Việt Nam trong suốt 4 thập kỷ vừa qua, giúp đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực thành nước xuất khẩu gạo trên thế giới và đảm bảo khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm chất lượng, giúp người dân có cuộc sống tích cực và khỏe mạnh. FAO đã kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng chung tay để đạt mục tiêu Không còn nạn đói; trong đó có cả đầu tư của nhà nước và khu vực tư nhân, chính sách và biện pháp can thiệp có thông tin rủi ro nhằm đảm bảo cho người nghèo và người dễ tổn thương cũng được hưởng lợi từ cơ hội tăng trưởng và việc làm. Mục tiêu Không còn nạn đói cũng là chìa khóa của Chương trình phát triển bền vững 2030. Bởi, không thể đạt được nhiều Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), chẳng hạn như giáo dục có chất lượng và sức khỏe tốt cho tất cả mọi người, nếu không thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là xóa đói. Lương thực và nông nghiệp cũng là trọng tâm của Chương trình nghị sự 2030 nhằm chấm dứt đói, nghèo và suy dinh dưỡng nhằm bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong suốt 40 năm qua, FAO đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện gần 500 dự án hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp và thủy sản.
Trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” cho cán bộ của FAO tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN
Trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” cho cán bộ của FAO tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN
Mặc dù Việt Nam đã đạt được bước tiến quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, song vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa và trước bối cảnh gia tăng do thách thức của thiên tai và biến đổi khí hậu. Ông  Albert T. Lieberg, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam là một ví dụ về câu chuyện thành công trong xây dựng tổ quốc và xây dựng kinh tế. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa đặc biệt trong bối cảnh tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng tăng, gây ra nhiều thách thức nghiêm trọng cho cuộc sống và sinh kế của người dân và tình hình thương mại ngày càng phức tạp cả ở quy mô quốc gia và toàn cầu. Trong tương lai, FAO vẫn cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và SDG, đồng thời FAO cũng sẽ hoàn toàn ủng hộ các thay đổi của Việt Nam, bao gồm cả những vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, mở cửa từ năm 1986 với sự hỗ trợ hiệu quả của các đối tác quốc tế; trong đó có FAO, Việt Nam đã không những sản xuất đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước mà hàng năm còn xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo cho thị trường thế giới. Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho gần 95 triệu người dân, đảm bảo ổn định xã hội và sinh kế cho gần 65% dân số khu vực nông thôn, đóng góp 17% GDP cho quốc gia. Nhờ sự phát triển ổn định của nông nghiệp đã giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ổn định xã hội và giảm nghèo. Ước tính năm 2018 tổng nông lâm thủy sản của Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 40 tỷ USD. Trước hai thách thức lớn là: khả năng cạnh tranh và tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thực hiện hai chương trình lớn về xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, Việt Nam thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó giải pháp trọng tâm là thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với thị trường theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, thu hút nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam cũng đã và đang sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với các nước đang phát triển khác. Nhiều chuyên gia  Việt Nam cùng với các giống mới và công nghệ phù hợp đã sang giúp thực hiện các Chương trình đảm bảo an ninh lương thực cho một số nước ở châu Phi, Mỹ La tinh và châu Á thông qua hợp tác song phương và chương trình hợp tác Nam-Nam do FAO và các đối tác quốc tế hỗ trợ và điều phối. Tại buổi lễ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” cho cán bộ của FAO tại Việt Nam.
Bích Hồng

Có thể bạn quan tâm