Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2019 sẽ được tổ chức các ngày 8 và 9 Tết Kỷ Hợi

Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2019 sẽ được tổ chức các ngày 8 và 9 Tết Kỷ Hợi
Bà con đồng bào dân tộc Tà Ôi đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu đến du khách điệu múa truyền thống. Ảnh: Hoàng Hải
Bà con đồng bào dân tộc Tà Ôi đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu đến du khách điệu múa truyền thống. Ảnh: Hoàng Hải  
Ngày hội có sự tham gia của khoảng hơn 200 người thuộc 25 cộng đồng dân tộc (trong đó có 14 cộng đồng đang hoạt động hàng ngày) của 17 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền trên cả nước. Trong đó, Ban Tổ chức huy động 20 đồng bào dân tộc Tà Ôi (tỉnh Thừa Thiên - Huế), 20 đồng bào dân tộc Dao (tỉnh Tuyên Quang); mời 22 người có uy tín  của 11 cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người khu vực biên giới, mỗi dân tộc 02 người từ 5 tỉnh: dân tộc Si La, Cống, Lự, La Hủ (Lai Châu), Bố Y, La Chí, Pu Péo (Hà Giang), Ơ Đu (Nghệ An), Chứt (Quảng Bình), Brâu, Rơ Măm (Kon Tum); 100 đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng và huy động thêm người mỗi dân tộc hoạt động hàng ngày bổ sung 5 người (65 người) của các dân tộc đang hoạt động tại làng: dân tộc Dao (Hà Nội), Tày (Thái Nguyên), Mường (Hòa Bình), Khơ Mú (Điện Biên), Thái (Sơn La), Mông (Hà Giang), Nùng (Lạng Sơn), Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng), Raglai (Ninh Thuận), Xơ Đăng (Kon Tum), Ba Na (Gia Lai), Cơ Tu (Thừa Thiên - Huế) và các sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc. Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra chương trình Bài ca Mừng Đảng – Mừng Xuân – Mừng Đất nước đổi mới; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc tết đồng bào các dân tộc, tặng quà người có uy tín đồng bào dân tộc. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng bà con tham gia vòng xòe đại đoàn kết các dân tộc đầu Xuân và Hưởng ứng Tết trông cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.
Bà con đồng bào dân tộc Mông giới thiệu và tham gia trò chơi dân gian cùng du khách. Ảnh: Hoàng Hải
Bà con đồng bào dân tộc Mông giới thiệu và tham gia trò chơi dân gian cùng du khách. Ảnh: Hoàng Hải 
Lễ hội Aza koonh của đồng bào dân tộc Tà Ôi ở tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ được tái hiện để giới thiệu với du khách cả nước. Đây là lễ hội thường được diễn ra sau dịp Tết âm lịch hằng năm với mục đích là cúng tạ trời đất đã ban cho buôn làng mùa màng bội thu, người người no đủ, nhà nhà an vui. Lễ hội Aza koonh thể hiện gần như đầy đủ các loại hình văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Tà Ôi sinh sống ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong phần hội, không khí mùa xuân sẽ rộn ràng cùng với tiếng dệt Zèng thoăn thoắt của các cô gái Tà Ôi, tiếng giã bánh giày (a jưh), điệu múa Tung tung za zá, lời ca tiếng hát xen lẫn trong ánh mắt tự hào để cảm nhận được không khí mùa xuân, sự sinh sôi nảy nở, phấn khởi trong lao động sản xuất của những người con quê hương cách mạng Thừa Thiên - Huế. Nghi lễ đón Tết (trích đoạn Tết nhảy) của dân tộc Dao cũng được tái hiện trong không khí xuân vui tươi, nhộn nhịp. Tết Nhảy của bà con dân tộc Dao chỉ làm ở “Nhà cái” (con trưởng, trưởng họ) tùy hoàn cảnh từng người để chọn năm tổ chức, thường vài năm làm một lần, nhưng không lâu quá 10 năm. Sau khi làm lễ cúng tri ân gia thần, gia tiên, thổ công, thần linh, chúa đất... gia chủ mời mọi người ăn cơm thịt, uống rượu hoẵng, rồi bắt đầu nhảy múa theo bài bản quy định, mạnh mẽ, hùng dũng, quyết liệt. Đây là một nội dung quan trọng, gọi là Tết Nhảy đúng như đã hứa với trời đất cho thoát hiểm dịp đi tìm đất ngày xửa, ngày xưa. Con cháu trong họ hồ hởi, tư tưởng tập trung, liên tục, luân phiên nhau nhảy múa văn, múa võ, múa chuông, múa rùa, chạy cờ trong mấy ngày Tết. Múa văn là biểu tượng con cháu mời ông bà, gia tiên về vui tết, phù hộ cháu con ăn nên làm ra. Múa võ là tái hiện tích ông Hành, ông Hộ vất vả, gian lao chống chọi với thiên nhiên, giặc giã, thú dữ, những tháng năm đi tìm đất. Múa rùa là kính báo với 9 phương trời, 10 phương đất, chư Phật cùng Long Vương biết thực tế cuộc sống người Dao, cầu mong được các đấng thần linh che chở về sau. Múa chạy cờ biểu tượng cho việc tập hợp lực lượng tiến quân, thu quân, đề cao ý thức cộng đồng đoàn kết thực hiện mọi lệ ước dân bản đặt ra, phép công Nhà nước để tồn tại, phát triển như các dân tộc anh em. Điệu múa nhảy nào cũng kéo dài, cần người khỏe mạnh thay nhau tham gia, có nhiều nhạc cụ trống chiêng và không thể thiếu cái chuông nhỏ trên tay, vừa nhảy vừa lắc nhịp nhàng theo bàn tay giơ cao, hạ thấp, tạo nên thứ âm thanh náo nhiệt, rộn ràng, khỏe khoắn, thu hút nhân tâm. Bên cạnh đó là Chương trình Hội xuân: Chương trình giao lưu “Ngày hội mùa xuân” của các dân tộc tại Làng Văn hóa với các hoạt động trò chơi dân gian ngày Xuân dân tộc như nhảy sạp, đi cà kheo, bắn cung, đi cầu kiều, đánh đu,…; Giao lưu tại không gian các nhà dân tộc Thái, Mường, Ê Đê, Tày; Giới thiệu ẩm thực, các loại món ngày Tết: bánh chưng, xôi nếp ba màu, gà quay dân tộc, lợn quay, thịt sấy, tại không gian các nhà dân tộc Thái, Mường, Tày, Khơ Mú… Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" mừng xuân mới là hoạt động thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với một số Ban, Ngành Trung ương và một số địa phương tổ chức, nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, phát huy sức mạnh nội lực từ chính những chủ thể văn hóa đang hoạt động tại Làng và góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, mang đến phong vị Tết cổ truyền dân tộc cho khách du lịch những ngày đầu Xuân.
Hoàng Hải

Có thể bạn quan tâm