Ngành xuất bản chuyển mình để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0

Ngành xuất bản chuyển mình để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0
Thay đổi phương cách phục vụ độc giả

Nhận định về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành xuất bản, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên cho rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dẫn đến sự chuyển biến về mô hình, quy trình xuất bản; xuất hiện các sản phẩm xuất bản mới thay thế dần vai trò của sách truyền thống... Đây là thuận lợi nhưng cũng là khó khăn đối với các nhà xuất bản hiện nay.

Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Chí Thành nhấn mạnh: Ở góc độ nhất định, xuất bản sẽ là một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc nhất từ cuộc cách mạng 4.0. Sự tác động này mang tính hai chiều: Mở ra những cơ hội và tiềm ẩn cả những nguy cơ, thách thức. Cuộc cách mạng 4.0 mở ra một bước ngoặt mới về tốc độ chia sẻ, sự lan tỏa thông tin, xuất bản phẩm được phổ biến tới nhiều độc giả trong thời gian có thể tính bằng giây/phút nhờ việc xóa nhòa giới hạn, ranh giới về không gian, thời gian. Cuộc cách mạng này cũng mở ra cơ hội, không gian mới cho việc tiếp nhận "tư liệu sản xuất" của công tác biên tập, xuất bản, bởi những người làm xuất bản có thêm nhiều cơ hội, kênh tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của người đọc, hoặc chủ động tìm kiếm, khai thác đề tài, tổ chức bản thảo. Sự phát triển của trí thông minh nhân tạo tạo thuận lợi cho biên tập viên trong một số khâu như: tra cứu, tìm kiếm, kiểm chứng thông tin...

Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra thách thức không nhỏ, đó là sự thay đổi trong mối quan hệ giữa tác giả - nhà xuất bản - độc giả. Trong thời đại 4.0, với sự đa dạng, phong phú, tiện lợi của các phương tiện truyền thông, độc giả có thể chủ động chọn phương thức tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn. Nhà xuất bản, tác giả phải thay đổi phương cách phục vụ nhu cầu của độc giả, lấy việc đáp ứng nhu cầu của độc giả làm mục tiêu cho sự tồn tại, phát triển của mình. Giá thành xuất bản phẩm điện tử cực thấp hoặc miễn phí do không tốn chi phí in ấn, chi phí lưu thông xuất bản phẩm, lưu kho. Các phần mềm quản trị giúp cho các đơn vị xuất bản tiết kiệm chi phí, thời gian, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong việc thực hiện các nghiệp vụ: kế toán, bán hàng, quản lý nhân sự… Điều đó gây ra bất lợi về sức cạnh tranh của sách in truyền thống với xuất bản phẩm điện tử. Bên cạnh đó, các kênh truyền thông trở nên vô cùng đa dạng, cho phép tác giả có thể tự xuất bản tác phẩm của mình trên mạng internet, cũng như độc giả hoàn toàn có thể tự tìm đến các tác giả, tác phẩm. Điều này đã tác động trực tiếp đến vai trò, vị trí của các nhà xuất bản...

Làm ebook - cần được ưu tiên, hỗ trợ

Theo đại diện của nhiều nhà xuất bản, trước những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành xuất bản, phát hành ở Việt Nam cần có nhiều thay đổi để bứt phá. Một trong những nội dung cần được cải cách là việc cấp phép hoạt động của ebook (sách điện tử), bởi đây là một xu thế tất yếu.

Bà Đinh Thanh Thủy, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tham gia xuất bản, phát hành sách điện tử từ tháng 10/2012, tuy nhiên đến nay Nhà xuất bản vẫn chưa được chính thức cấp phép hoạt động do chưa có bộ thủ tục theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Cuối năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông có Thông tư số 42 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ. Cuối năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 150/2018/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án theo hướng dẫn, đã được cơ quan chủ quản thẩm định và phê duyệt về cấp độ an toàn hệ thống thông tin; đang lập hồ sơ để sớm được thẩm định, cấp phép hoạt động chính thức.

Bà Đinh Thanh Thủy cho biết, hiện nay Nhà xuất bản phải dừng đăng ký xuất bản, tạm dừng phát hành ebook trong khi thực tế hệ thống này của đơn vị đã hoạt động từ năm 2012. Việc không cập nhật tựa ebook mới làm cho data ebook của Nhà xuất bản không thể thu hút người đọc, dẫn đến mất khách hàng, ảnh hưởng đến doanh thu ebook vốn đã không cao. Bà Thủy kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép các nhà xuất bản đã hoạt động ebook trước thời gian ban hành Nghị định, Thông tư có liên quan, được tạm duy trì hoạt động xuất bản, phát hành ebook; quy định hạn cuối phải có giấy phép hoạt động ebook để hỗ trợ các nhà xuất bản mạnh dạn làm ebook. Điều này cũng sẽ thể hiện sự "ưu tiên phát triển xuất bản phẩm điện tử" được nêu rõ trong Quyết định 115/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Trần Chí Đạt, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cũng nhận định: Khó khăn trong việc xuất bản sách điện tử xuất phát từ nhiều khúc mắc. Một Nhà xuất bản muốn làm sách điện tử phải đầu tư rất nhiều trang thiết bị, tốn kém, trong khi tiềm lực của nhiều đơn vị không đủ đáp ứng. Đầu tư nhân lực công nghệ thông tin cũng đòi hỏi cao, trong khi nhân lực của Nhà xuất bản về công nghệ còn yếu. Cấp có thẩm quyền cần cho phép các nhà xuất bản thuê hạ tầng, dịch vụ làm sách điện tử từ công ty công nghệ, tạo thuận lợi cho việc làm sách điện tử.

Chuẩn bị điều kiện, năng lực cho xuất bản số

Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Chí Thành kiến nghị: Trong thời đại công nghiệp 4.0, các cơ quản quản lý xuất bản nói riêng, ngành xuất bản nói chung cần có nhiều biện pháp hữu hiệu hơn nữa để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giúp các nhà xuất bản, các đơn vị in, phát hành có điều kiện thực thi tốt hơn nhiệm vụ được giao. Mục tiêu của cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất bản là hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ người dân, độc giả tốt hơn, lấy phục vụ người dân, doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành xuất bản, độc giả làm thước đo hiệu quả hoạt động. Điều cơ bản không chỉ là cải cách những quy định của Nhà nước, cải cách về tổ chức bộ máy, cái chính là tôn chỉ bản chất phục vụ của các thủ tục hành chính. Quan trọng nhất là cần xem xét các thủ tục hành chính sau cải cách đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho tổ chức, cá nhân bảo đảm lợi ích hợp pháp như thế nào. Để nắm cơ hội, chủ động vượt qua thách thức, chuyển đổi phương thức hoạt động hiệu quả trước những xu thế phát triển do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa tới, cơ quan quản lý, nhà xuất bản cần nhanh chóng đổi mới về mọi mặt để theo kịp những đòi hỏi trong thực tiễn hoạt động xuất bản, trong đó có vấn đề đổi mới, cải cách thủ tục hành chính.

Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, xuất bản 4.0 đòi hỏi phải có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mở. Các Nhà xuất bản cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện, năng lực để chuyển dần sang xuất bản số; nâng cao chất lượng bản thảo qua sự chủ động, tích cực tìm kiếm những đề tài đúng với "hơi thở" của thời đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người đọc; tăng cường năng lực ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ; đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác phát hành, marketing giỏi, năng động; lựa chọn những mảng xuất bản đặc thù để xây dựng thương hiệu riêng, độc đáo; tăng cường xây dựng các website, đẩy mạnh xây dựng hình ảnh, bộ nhận diện thương hiệu, chiến lược phát triển cho đơn vị. Trước xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc. Mỗi cá nhân hoạt động trong ngành xuất bản cần chủ động, tích cực nâng cao trình độ, tăng cường tri thức, nâng cao khả năng thích nghi, dám đối mặt với thách thức.

Bên cạnh đó, cùng với công nghệ quản lý mới, cần nghiên cứu, tìm giải pháp an ninh truyền thông hiệu quả, đặc biệt là vấn đề phòng, chống tội phạm công nghệ cao, an ninh mạng. Đây là một trong những yêu cầu căn bản, cấp thiết nhất ở mọi quốc gia hiện nay, khi phải giải bài toán "cách mạng công nghệ 4.0". Những thuận lợi, thách thức đến từ kỷ nguyên số cho thấy, đã đến lúc các đơn vị xuất bản không thể chỉ dựa vào nội dung tác phẩm, danh tiếng của tác giả như trong quá khứ, còn cần đáp ứng, tiếp cận người đọc trên các nền tảng công nghệ mới.

Liên quan đến việc cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất bản, Cục trưởng Nguyễn Nguyên khẳng định Cục Xuất bản, In và Phát hành đã cắt giảm 17 thủ tục trong lĩnh vực in, sửa đổi 4 thủ tục kinh doanh trong hoạt động xuất bản, phát hành, đơn giản 6 thủ tục kinh doanh, cắt giảm 1 và đơn giản 6 thủ tục hành chính. Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho các nhà xuất bản.

Luật Xuất bản 2012 là căn cứ tốt để triển khai, tạo động lực cho ngành xuất bản phát triển. Xuất bản điện tử là vấn đề ngành cần tập trung trong thời gian tới, cần tạo điều kiện để các Nhà xuất bản tham gia sân chơi này. Với sự phát triển của các công cụ như smart phone, máy tính bảng…, nếu mỗi smartphone (điện thoại thông minh) có một cuốn sách, Việt Nam đã có 60 triệu sách. Ngành xuất bản đang nỗ lực bằng nhiều hoạt động để có thể biến khát vọng vươn tầm thế giới của sách Việt trở thành hiện thực, ông Nguyễn Nguyên tin tưởng.

Phúc Hằng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm