Nét đẹp văn hoá của người Sán Chỉ ở Khuổi Chủ

Nét đẹp văn hoá của người Sán Chỉ ở Khuổi Chủ
Trang phục cô dâu Sán Chỉ tại xóm Khuổi Chủ, xã Thượng Hà (Bảo Lạc).
Trang phục cô dâu Sán Chỉ tại xóm Khuổi Chủ, xã Thượng Hà (Bảo Lạc).
Trang phục truyền thống duyên dáng

Trong bối cảnh nhiều dân tộc đang dần đánh mất đi trang phục truyền thống của mình, thì phụ nữ Sán Chỉ ở Khuổi Chủ vẫn gìn giữ như một vốn quý. Dù làm gì, ở đâu: trong các dịp lễ, tết hay xuống chợ, làm nương, đi học, người phụ nữ Sán Chỉ vẫn mặc nó với niềm tự hào riêng. 

Chị Hoàng Thị Đó, ở Khuổi Chủ cho biết: Vào các phiên chợ huyện, có rất nhiều mặt hàng dùng để may và trang trí trang phục dân tộc Sán Chỉ, như: vải chàm, vải đỏ viền áo… Nhưng bà con trong bản rất ít người mua, vì không thể đẹp bằng tự dệt, tự may. Vào dịp nông nhàn, các bà, các mẹ lại dạy con cháu thêu len, dệt vải. 

Dù sắc áo không sặc sỡ, nhưng trang phục của phụ nữ Sán Chỉ vẫn có điểm nhấn nhờ những vật trang sức như vòng cổ, vòng tay và các phụ kiện dùng để quấn tóc. Ngắm nhìn trang phục các chị, các em, nhận thấy sự khéo léo, tinh tế và thế giới quan của người phụ nữ thông qua đường kim, mũi chỉ, mỗi hoa văn, hoạ tiết trên áo. Đặc biệt, mặc trang phục truyền thống của dân tộc, người phụ nữ Sán Chỉ thường phải vấn tóc, đội khăn màu đen viền bằng chỉ màu và kèm theo các phụ kiện, như: vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Vào những ngày lễ, tết, mỗi cô gái Sán Chỉ đều có từ 2 - 3 chiếc thắt lưng làm bằng lụa hoặc tơ chỉ, len với nhiều màu sắc khác nhau để thắt phù hợp với trang phục.

Nổi bật là trang phục của cô dâu Sán Chỉ. Với chiếc váy áo chàm chéo vạt, viền đỏ dài ngang cổ chân. Cô dâu mặc áo chàm, viền đỏ, đầu đội miện bằng bạc, cài 3 cái trâm bằng sừng và bạc, hoa văn hình mặt trời, có nhiều hình đồng tâm đầy duyên dáng.

Lễ cấp sắc độc đáo

Gặp chúng tôi trên đường về bản, dù không quen biết nhưng với bản tính hiền hậu, mến khách, sau vài câu chuyện, Bí thư Chi bộ Tẩn Văn Nguyễn đã niềm nở trò chuyện. Được biết cuộc sống của bà con trong bản còn rất nhiều khó khăn, song nghi lễ Cấp sắc vẫn được bảo tồn và gìn giữ. 

Thông thường người con trai Sán Chỉ ở Khuổi Chủ trước khi lấy vợ, từ lúc lên 15 tuổi trở lên phải qua lễ Cấp sắc, nếu trường hợp lúc còn sống chưa làm lễ cấp sắc thì sau khi chết con cháu phải làm lễ cấp sắc cho. Người ta cấp sắc theo thứ bậc những người con trong gia đình. Theo quan niệm của người Sán Chỉ thì chỉ những người đã qua lễ cấp sắc mới được coi là người trưởng thành. Lễ Cấp sắc còn là sự trình báo cho tổ tiên biết, một thành viên của dòng họ nhập vào tổ tiên và có nghĩa vụ nối dõi, làm tròn bổn phận của mình. 

Những người phụ nữ Sán Chỉ ở xóm Khuổi Chủ dạy con cháu thêu len, dệt vải.
Những người phụ nữ Sán Chỉ ở xóm Khuổi Chủ dạy con cháu thêu len, dệt vải.
Trước khi hành lễ phải ăn kiêng ít nhất 10 ngày. Trong những ngày ăn kiêng, tuyệt đối không được làm ảnh hưởng đến sinh vật, súc vật, không được làm điều ác. Thời gian hành lễ từ 3 - 7 ngày. Sau khi kết thúc lễ cấp sắc, người được cấp sắc phải kiêng thêm 21 ngày... Do vậy, mà nghi lễ của vòng đời người còn là những nghi lễ hay cho cách ứng xử của con người đối với gần như toàn bộ xã hội cũng như thế giới bao quanh.

Tạm biệt Khuổi Chủ, chúng tôi mong những nét văn hoá đặc trưng của người Sán Chỉ nói chung và xóm Khuổi Chủ nói riêng ngày càng tô đậm và được gìn giữ, phát huy.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm