Nét đẹp nhà sàn của người Tày - Nùng ở Cao Bằng

Nét đẹp nhà sàn của người Tày - Nùng ở Cao Bằng
Ngôi nhà sàn ở xóm Rai Khang, xã Chí Thảo, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng)
Ngôi nhà sàn ở xóm Rai Khang, xã Chí Thảo, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng)

Xóm Rai Khang, xã Chí Thảo, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng), nằm cách trung tâm huyện gần 10 km, còn lưu giữ 20 ngôi nhà sàn truyền thống. Những ngôi nhà sàn vững chãi, còn nguyên vẹn về kết cấu, kiểu dáng từ hàng trăm năm trước, mang đặc trưng riêng của người Tày - Nùng. Đặc điểm đầu tiên dễ nhận thấy là chiếc cầu thang được đặt ở đầu hồi bên trái, được làm bằng gỗ, rộng trên 70 cm, dài trên 2 m. Bậc thang lên xuống bao giờ cũng có số lẻ 5 hoặc 7 bậc bởi theo quan niệm của người Tày - Nùng, nếu làm bậc thang là số lẻ thì gia đình sẽ gặp may mắn, làm ăn thuận lợi.

Ông Đinh Văn Tuân, Trưởng xóm Rai Khang cho biết: Để làm nên một ngôi nhà sàn rất khó khăn, vì vậy ngay từ khi chuẩn bị làm nhà, người chủ phải mất nhiều thời gian, công sức từ khâu chuẩn bị vật liệu, xem hướng nhà, ngày giờ động thổ dựng nhà… và chọn những người thợ “lành nghề”. Sau khi đã hoàn thành việc lắp ghép những hàng cột, người thợ phải đặt những hòn đá tảng, tiếng địa phương gọi là "thin rảng" để tạo nền chân cột chống mối mọt, ẩm mốc, để ngôi nhà vững chắc. 

Kết cấu chính của ngôi nhà gồm có 36 cột, trong đó, 28 cột chính và 8 cột phụ, đây là bộ khung quyết định sự vững chãi và tạo nên hình dáng của ngôi nhà, cột có trụ vững trên mặt đất làm điểm tựa cho ngôi nhà, xuyên và kèo đều được gắn vào các lỗ đục trên cột. Kèo tạo nên phần chóp nhọn và sườn của mái nhà; xuyên có tác dụng liên kết các cây cột với nhau, góp phần tạo nên bộ khung nhà. Đặc biệt, mỗi ngôi nhà đều có góc khóa khung nhà để ngôi nhà không bị xê dịch. Ngoài ra, mặt trước ngôi nhà thường được bưng bằng ván, còn hai bên đầu hồi và mặt đằng sau trát vách đất trộn rơm, sàn ngôi nhà thường làm bằng gỗ. Nhà sàn người Tày - Nùng chỉ có 2 mái cân nhau, lợp bằng ngói âm dương. Với kỹ thuật của những người thợ tài hoa, ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày - Nùng ít dùng đến đinh sắt mà chỉ dùng mộc gỗ nối kèo cột tạo thành ngôi nhà. 
 
Một trong những bộ phận lắp ghép bên trong ngôi nhà.
Một trong những bộ phận lắp ghép bên trong ngôi nhà.

Mỗi ngôi nhà sàn của người Tày - Nùng đều có cửa chính và cửa phụ, cửa chính được đặt ở gian giữa nhà, cửa phụ là cửa ra phía sau hoặc bên cạnh phía sau hông nhà. Đầu hồi trước hoặc sau ngôi nhà đều có mặt sàn được làm bằng thân cây tre với chức năng chính dùng để phơi thóc, ngô… 

Bên trong ngôi nhà sàn của người Tày - Nùng được thiết kế rất chặt chẽ, thường được chia làm 3 gian. Trong đó, gian chính giữa là gian trang trọng nhất dùng để đặt bàn thờ cúng tổ tiên và tiếp khách; hai bên là phòng ngủ của gia đình. Bếp được đặt ở phần cuối gian giữa của ngôi nhà, đây là nơi để nấu ăn và mọi người sum họp bên bếp  lửa. Phía trên bếp lửa là gác bếp, thường dùng làm kho chứa đồ cũng như tận dụng sức nóng của lửa để bảo quản ngô, lạc, khoai… Còn bên dưới sàn nhà, người dân thường để nông cụ. 
 
Theo quan niệm của người Tày - Nùng, ngôi nhà sàn đẹp thường là ngôi nhà lưng quay về núi, mặt hướng ra đồng ruộng. Vào mùa hè, sự cao ráo của sàn cũng giúp cho không khí được lưu thông, thoáng mát, khi mưa sẽ không ẩm ướt, còn mùa đông tránh được giá lạnh. Nhà sàn của người Tày - Nùng mang những nét đẹp và kiến trúc thẩm mỹ đặc trưng riêng, điển hình cho sự hòa hợp với thiên nhiên và chiều sâu văn hóa. Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống vật chất của nhân dân được nâng cao, những ngôi nhà cao tầng dần thay thế những ngôi nhà sàn cổ. Việc bảo tồn những ngôi nhà sàn thể hiện nét văn hóa đậm bản sắc của người Tày - Nùng  nơi đây.
Theo baocaobang.vn
TTXVN

Có thể bạn quan tâm