Nâng tầm giá trị cây sâm Việt Nam

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

“Hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến nhân sâm Việt Nam thực thụ, hướng tới mục tiêu tỷ đô-la”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại Lễ khai mạc Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022, tổ chức tối 11/11, tại thành phố Lai Châu (Lai Châu).

Nâng tầm giá trị cây sâm Việt Nam ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”, Hội chợ được tổ chức từ ngày 11 - 13/11 nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư phát triển, đồng thời quảng bá “báu vật” Sâm Lai Châu đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư tìm hiểu, tin tưởng xúc tiến hợp tác, liên kết với người dân địa phương cùng chung tay gây trồng, khai thác, kinh doanh, làm giàu từ các lợi ích to lớn của loài cây đặc hữu riêng có tại Lai Châu. Qua đây, hiện thực hóa khát vọng “thoát nghèo, góp phần thay đổi cuộc sống” của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu.

Sâm Lai Châu - loài cây đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới, là loài đặc hữu của tỉnh Lai Châu. Tất cả các bộ phận của cây đều được dùng để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Sâm Lai Châu thuộc họ Nhân sâm, chi Panax, phân bố ở độ cao 1.400m - 2.200m so với mặt nước biển, phù hợp với địa hình khí hậu phần lớn các xã vùng biên giới, vùng cao của tỉnh Lai Châu.

Nâng tầm giá trị cây sâm Việt Nam ảnh 2Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai mạc Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, Sâm Lai Châu có hàm lượng Saponin tổng số rất cao lên tới 21,34%, Đặc biệt, Sâm Lai Châu có Majonosid - R2(MR2) là hoạt chất có khả năng kháng virus gây ung thư, chiếm hàm lượng cao tới 7,78%; hợp chất silphioside E là hợp chất lần đầu tiên công bố phân lập từ các loài thuộc chi Panax L, đây là hợp chất chỉ có ở Sâm Lai Châu, có tác dụng chống đông máu. Sâm Lai Châu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.

Qua rà soát, đánh giá, Lai Châu xác định có hơn 38 nghìn ha có khả năng phát triển tốt Sâm Lai Châu. Hiện nay, tỉnh đã bảo tồn, nhân giống và phát triển được trên 100ha sâm tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng sâm bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Nâng tầm giá trị cây sâm Việt Nam ảnh 3Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng cây sâm giống cho đại diện cho các hộ nông dân. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến những điều kiện thuận lợi của Lai Châu để phát triển cây sâm như có giải khí hậu trung tính và ôn hòa; có 6/10 ngọn núi cao và hùng vĩ nhất Việt Nam, có nhiều vùng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, hệ sinh thái rừng và thảm thực vật vô cùng phong phú, độ che phủ rừng tự nhiên gần 52%. Theo các nghiên cứu, cây Sâm Lai Châu là loài cây bản địa, đặc hữu, phân bổ hẹp trên địa bàn tỉnh Lai Châu, phát triển thuận lợi ở những vùng rừng núi cao hoang sơ, sương mù bao phủ và lạnh về mùa đông, với tiềm năng phát triển cây sâm khoảng gần 40 nghìn ha. Đó là cơ hội quý cho Lai Châu phát triển ngành Sâm và thực phẩm chức năng từ Sâm dựa trên việc phát huy các giá trị tinh hoa mà trời đất đã ban tặng.

Sâm Lai Châu đã từ lâu được đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu phát hiện và sử dụng để nâng cao sức khỏe, nay trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị rất cao, được nhân dân trong nước và quốc tế biết đến ngày càng nhiều hơn. Tỉnh Lai Châu đã kịp thời chỉ đạo nghiên cứu, bảo tồn nguồn gene quý Sâm Lai Châu, tạo điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và đầu tư, phát triển cây Sâm, tạo cơ hội cho các hộ trồng Sâm được trao đổi, chia sẻ về kỹ thuật, nguồn giống... giúp đồng bào thiểu số, biên giới của tỉnh Lai Châu và các tỉnh trong vùng trồng được Sâm và các loại cây dược liệu thoát nghèo và tiến tới vươn lên làm giàu.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Lai Châu, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng trong bảo tồn, phát triển, phát huy các giá trị của cây Sâm Lai Châu. Chủ tịch nước cho rằng hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến nhân sâm Việt Nam thực thụ, hướng tới mục tiêu tỷ đô-la giá trị sản xuất và xuất khẩu trong những thập niên tới. Để sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác xứng danh với tên gọi “Quốc bảo” của Việt Nam, đòi hỏi sớm hành động một cách nghiêm túc, bài bản; không để cho từng địa phương hoạt động manh mún hoặc “tự bơi” trong triển khai chiến lược mà cần sự hỗ trợ mạnh mẽ, tổng thể, toàn diện hơn từ Chính phủ và các bộ ngành.

Nâng tầm giá trị cây sâm Việt Nam ảnh 4Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm bảo tồn và quy hoạch phát triển cây sâm, phổ biến những ưu điểm vượt trội của Sâm Lai Châu, Sâm Ngọc Linh so với các loại sâm và sản phẩm tương tự, nâng tầm giá trị của cây Sâm Việt Nam cả về mặt kinh tế lẫn phục hồi sức khỏe.

Việt Nam là quốc gia đi sau nhiều nước trong chiến lược thương mại hóa cây Sâm và sản phẩm từ Sâm, do đó cần chú trọng phát triển bền vững, bài bản; lưu ý về chất lượng sản phẩm, sản lượng, quy mô, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho Sâm, bảo hộ sản xuất và làm tăng giá trị của Sâm thông qua công tác chế biến các sản phẩm từ Sâm, quyết liệt chống hàng giả; khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến để có nhiều sản phẩm chất lượng từ Sâm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, điều cần thiết trước hết là bảo vệ nguồn gene thuần chủng cây Sâm Lai Châu, bảo đảm không bị lai tạp hay nhầm lẫn với các loài sâm hay dược liệu khác; nghiên cứu thêm về giá trị lịch sử của Sâm Lai Châu, đẩy mạnh truyền thông các giá trị độc đáo của Sâm Việt Nam, tạo cơ hội cạnh tranh với các cường quốc sản xuất nhân sâm trên thế giới. Khẩn trương hoàn thiện quy định về cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.

Đối với Sâm, đất và rừng là yếu tố không thể thay thế, vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện việc bảo tồn, phát triển Sâm Lai Châu gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế du lịch. Tỉnh cần triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững; tạo thuận lợi để người dân trồng, phát triển cây dược liệu, trong đó có cây Sâm Lai Châu để “sống với rừng, thoát nghèo từ rừng và tiến tới làm giàu từ rừng”, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Cùng với đó, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp trong nước có tâm huyết, tầm nhìn và tiềm lực tham gia vào sứ mệnh phát triển Sâm Lai Châu, Sâm Ngọc Linh, đầu tư nghiên cứu, sản xuất, chế biến nhân sâm. Khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết để cùng nhau cộng hưởng sức mạnh, đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong trồng và chế biến sâm, tạo cú hích có tính đột phá cho việc phát triển quy mô trồng, sản xuất và chế biến sâm trong nước.

Tại buổi lễ, để thúc đẩy mở rộng vùng trồng và vận động người dân tích cực tham gia trồng Sâm Lai Châu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng cây giống Sâm Lai Châu cho các hộ gia đình tích cực trồng sâm của tỉnh. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trao Bằng Bảo hộ giống cây trồng đối với cây Sâm Lai Châu cho tỉnh Lai Châu. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao Quyết định chấp nhận hợp lệ nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu” cho tỉnh.

Quang Vũ - Trần Văn Hoàng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm