Nặng lòng với sự nghiệp “trồng người” ở đảo

Nặng lòng với sự nghiệp “trồng người” ở đảo

Năm 2007, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cô giáo Cúc đến Bình Thuận nộp đơn xin dạy học và được bố trí về Trường THPT Ngô Quyền (Phú Quý). “Những ngày đầu bước chân đến đảo, rất bỡ ngỡ, khó khăn tưởng chừng không thể bám trụ lâu dài. Vậy mà, không ngờ đảo đã níu chân tôi và mãi sau này không thể đi nơi khác được nữa”, cô giáo Cúc chia sẻ. Là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân (GDCD), một môn học khá khô, học sinh thường xem là môn phụ. Xác định điều đó, cô Cúc luôn trăn trở, suy nghĩ và tìm kiếm phương pháp dạy học làm sao để học sinh luôn yêu thích môn học. Bằng cách vận dụng phương pháp tích hợp, tuyệt đối không dạy chay sẽ rất khô khan. Những bài học giáo dục công dân luôn sinh động bởi được tích hợp rất nhiều kiến thức ở các môn liên quan. Cô Cúc cho biết, có khi phải đưa những bài hát, ca dao, tục ngữ hoặc những công thức toán học, phương trình phản ứng… vào bài giảng để làm phong phú và đa dạng.

“Dạy học theo chủ đề tích hợp, trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập và đời sống. Thông qua đó hình thành những kiến thức, kỹ năng mới; phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề trong học tập và trong thực tiễn cuộc sống”, cô Cúc cho biết.

Phụ trách bộ môn GDCD lớp 10, chương trình thường chia 2 phần khác nhau. Học kỳ 1 liên quan về triết học, học kỳ 2 là vấn đề đạo đức. Từ đó, quá trình soạn giáo án được chuẩn bị kỹ càng. Nghiên cứu, tìm tòi, sưu tầm những vấn đề cần tích hợp, không chỉ trong sách giáo khoa mà phải vào mạng internet để lấy tài liệu. Nhờ vậy, buổi học bao giờ cũng thu hút học sinh, nhất là những tiết học tích hợp. “Nó giống như thứ gia vị cần thiết để nấu ăn ngon và làm giảm đi sự khô khan của nội dung triết học ở chương trình GDCD lớp 10”. Đặc biệt, khi sử dụng phương pháp tích hợp trong giảng dạy, học sinh tiếp thu và hiểu bài khá tốt. Cụ thể liên quan về bài học đạo đức con người, trọng tâm là vấn đề nhân phẩm, danh dự, lương tâm. Để học sinh hiểu và rút ra bài học từ chủ đề này, cô Cúc đã tích hợp những kiến thức ở môn lịch sử. Ví dụ về những anh hùng dân tộc, những tấm gương hy sinh trước đây và ngày nay. Đặc biệt, học tập và làm theo phong cách Bác Hồ luôn được cô giáo trẻ đề cập ở từng nội dung có liên quan. Đó là những giá trị cần thiết để học sinh có thể nhìn nhận vấn đề, liên hệ bản thân và luôn hoàn thiện nhân cách của mình.
Theo baobinhthuan.com.vn

Có thể bạn quan tâm