Nặng lòng với nghề gốm

Nặng lòng với nghề gốm
51 năm gắn bó với nghề

Mắt mờ, chân tay đau nhức, cơ thể rệu rã vì đang bị sốt nhưng khi nghe chúng tôi đến tìm hiểu về nghề làm gốm ở làng, bà Y Ber (65 tuổi) ở làng Kon Sơm MLũh, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) vẫn gắng ngồi tiếp chuyện.

Đôi tay khư khư giữ chặt cái nồi đất - kỉ vật bằng gốm do chính tay mình làm, bà Ber nhìn xa xăm tư lự: Gắn bó với nghề làm gốm 51 năm rồi, 2 năm nay già phải bỏ nghề vì bệnh tật, thực sự buồn lắm! Nhớ lắm những lúc giã, lúc xoay; nhớ lắm cái mùi đất sét quen thuộc nhưng biết làm sao được...

Sinh ra đã thấy cả làng làm gốm. Rồi nghề truyền nghề, đời này nối tiếp đời kia nên bà Y Ber không biết nghề gốm của người Ba Na trong làng có từ bao giờ. Bà chỉ biết rằng, với gia đình bà, nghề gốm này đã được 3 đời truyền giữ.
 
Bà Y Ber khoe với khách kỉ vật nồi bằng gốm do chính tay mình làm. Ảnh:B.A
Bà Y Ber khoe với khách kỉ vật nồi bằng gốm do chính tay mình làm. Ảnh:Bà Y Ber khoe với khách kỉ vật nồi bằng gốm do chính tay mình làm. Ảnh:B.AB.A
 
53 năm trôi qua nhưng với bà Y Ber, cái ngày tập tành làm gốm như mới chỉ hôm qua. 12 tuổi, theo chỉ dẫn của mẹ, bà Y Ber tay nặn, tay nung những sản phẩm bằng gốm đầu tiên. “Hồi đó mất 1 ngày già mới làm được 1 cái cối và 1 cái nồi nấu cơm nếp nhỏ nhỏ. Không đẹp lắm đâu nhưng mừng vui, hạnh phúc lắm”- bà Ber cười hiền.

Ngày ấy cả làng, phụ nữ nhà nào cũng làm gốm. Bà con thường đi bộ ra khe suối Cơ Gà lấy đất sét để làm. Theo lời bà Y Ber, với người Ba Na, lấy đất sét để làm gốm là một trong những việc hệ trọng, chính vì vậy, trước khi lấy đất sét, cả làng họp mặt, chọn ngày để cúng đất.

Mỗi năm, sau khi chọn ngày, cả làng bà sẽ cùng chọn một con gà trắng cắt lấy tiết rồi vẩy quanh khu đất sét đã chọn. Sau khi xin thần đất phù hộ cho đất sét tơi, dẻo để làm đồ gốm được bền, đẹp, mỗi người mới dám lấy đất sét đem về làm. Bà Y Ber bảo rằng, sau này người làm gốm thưa dần, phong tục này cũng không còn nữa.

Hơn nửa đời người gắn bó với nghề làm gốm nhưng bà Y Ber cứ chép miệng nói rằng: “Khó lắm, nhất là cái ghè, không dễ để làm đâu”. Chẳng có máy móc, khung, trụ, sản phẩm gốm được tạo hình từ nguyên khối với sự hỗ trợ của những công cụ đơn giản. Với một hòn kê cố định, người làm gốm đi vòng quanh theo ngược chiều kim đồng hồ để tạo các sản phẩm theo ý muốn. Mỗi bước chân di chuyển, đôi bàn tay lại kết hợp nhuần nhuyễn, khéo léo xoay gốm để tạo ra những sản phẩm tiện ích.

Dù nhiều người làm gốm nhưng các sản phẩm: ly, chén, nồi… từ gốm rất quý. Dạo ấy, bà con phải đem gà, đem gạo để đổi lấy sản phẩm gốm. Nhiều người từ các huyện trong tỉnh và cả ở Gia Lai cũng tìm đến để đổi mua. “Hồi ấy 1 con gà mới đổi được 1 cái nồi đất đấy” – bà Y Ber bộc bạch.

Và cả sau này, khi bà Y Ber còn làm, nhiều người trong làng, ngoài làng cũng tìm đến mua nồi, mua ghè.

Truyền nhân của Y Ber

Đang hưng thịnh vậy mà chẳng biết có phải vì vất vả, thu nhập lại chẳng bao nhiêu nên nghề làm gốm ở làng cứ lụi dần theo thời gian. “Cách đây 10 năm, khi có đoàn vào quay phim thì trong làng mình vẫn có 6 người biết làm gốm, vậy mà nay cả làng chỉ có mình với em gái biết làm” – giọng bà Ber trầm buồn.

Cái nghề làm gốm như giọt máu chảy trong người bà Y Ber vậy. Bà yêu, bà quý cái nghề này lắm. Những năm trước, khi thấy sức khỏe yếu dần, sợ làng gốm bị xóa sổ, bà đã động viên, muốn truyền nghề cho phụ nữ trong làng nhưng chẳng ai muốn học. Thế rồi bà lại động viên các con giữ lại nghề gốm. “Mình nói các con không học làm gốm, mẹ chết đi thì ai làm thay mẹ, thế nhưng 3 người con gái cũng nhất quyết không học” – bà Y Ber buồn bã.

Bà đau mắt, nghỉ làm gốm, trong làng thiếu cái nồi đất nấu xôi, nhà nhà cũng cuống quýt tìm kiếm nhưng chẳng biết tìm mua ở đâu. 2-3 năm trở lại đây, khi nhìn thấy chính gia đình mình cũng như bà con rất cần những vật dụng từ gốm truyền thống, bà Y Pư - em của bà Y Ber mới quyết tâm theo chị học nghề.

Cầm trên tay cái nồi do mình tự làm, bà Y Pư mừng rỡ khoe với khách: “Từ bữa giờ mình cũng làm được 10 sản phẩm rồi đấy”. Dù rằng đến bây giờ bà Y Pư vẫn chưa làm thạo lắm nhưng bà đã có thể làm được sản phẩm khó nhất là cái ghè, làm được cái nồi đất, ly, chén…
 
Bà Y Pư học nghề gốm từ chị gái Y Ber. Ảnh: B.A
Bà Y Pư học nghề gốm từ chị gái Y Ber. Ảnh: B.A
 
“Nay tìm đất sét khó lắm! Phải đi mua đấy, không tự ý ra lấy như ngày trước được đâu. Nhưng mình sẽ cố để giữ nghề” – bà Y Pư thở dài.

Thoạt đầu chỉ học cho vui nhưng sau bà Y Pư cũng yêu việc làm gốm lắm. Với bà, làm gốm không phải là nghề chính nhưng đó là niềm vui, là sở thích, là niềm tự hào nên mỗi lần rảnh rỗi, bà Y Pư lại tìm đất rồi ngồi mày mò. Và dù các sản phẩm của bà còn vụng về, đường nét chưa thật sự tinh xảo như của chị gái Y Ber nhưng nhiều người vẫn tìm đến xem, đến mua. “1 cái nồi đất làm tốn công sức nhưng chỉ bán 150 ngàn đồng. Mình làm chủ yếu để giữ nghề chứ giàu có gì cái nghề này đâu” – bà Y Pư chia sẻ.

Không chỉ bán, những lần được Bảo tàng tỉnh mời xuống để trình diễn nghề làm gốm của người Ba Na cho mọi người xem, bà Y Pư phấn khởi lắm. Bà nói rằng, rất khó để giữ nghề làm gốm này vì trong làng, trong xã giờ chẳng ai còn mặn mà với cái nghề vất vả, thu nhập thấp này cả. Nhưng bản thân bà sẽ cố gắng từng ngày để những sản phẩm từ gốm thật sự đẹp, hoàn hảo.
Theo baokontum.com.vn

Có thể bạn quan tâm