Nâng Hội đua bò Bảy Núi lên tầm quốc tế

Nâng Hội đua bò Bảy Núi lên tầm quốc tế
Hội đua bò Bảy Núi hàng năm thu hút hàng ngàn khách du lịch khắp cả nước đến xem và cổ vũ cho các đội đua. Ảnh: Thanh Sang – TTXVN
Hội đua bò Bảy Núi hàng năm thu hút hàng ngàn khách du lịch khắp cả nước đến xem và cổ vũ cho các đội đua. Ảnh: Thanh Sang – TTXVN

Theo đó, kinh phí thực hiện Đề án này giai đoạn 2020-2025 có tổng kinh phí gần 5,8 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh An Giang gần 2,9 tỷ đồng, ngân sách các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn gần 1,2 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hóa hơn 1,7 tỷ đồng.

Hội đua bò Bảy Núi, An Giang là một dạng thức lễ hội nông nghiệp độc đáo có một không hai của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi gồm hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đậm chất nhân văn của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi, ngày hội còn là một sân chơi thể thao, giải trí mang tính đại chúng đầy ý nghĩa cho người nông dân Khmer các phum, sóc sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng. Sự tồn tại của Hội đua bò Bảy Núi, An Giang qua thời gian còn là một bằng chứng sống động thể hiện tình đoàn kết, gắn bó trong sản xuất và cũng là dịp để bà con gặp gỡ, nuôi dưỡng những tình cảm cộng đồng đẹp, đậm chất nhân văn.
Hội đua bò Bảy Núi, An Giang được tổ chức trong dịp lễ Sel Dolta (lễ cúng ông bà) của dân tộc Khmer Nam bộ, từ ngày 29/8 đến ngày 1/9 âm lịch hàng năm (theo lịch âm của người Khmer khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch), mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân gian của cư dân làm nông nghiệp lúa nước. Đó là thời gian mà người Khmer bắt đầu chuẩn bị cho vụ lúa mới.
Hội đua bò Bảy Núi sẽ được nâng tầm thành Hội đua bò quốc tế trong tương lai. Ảnh: Thanh Sang – TTXVN
Hội đua bò Bảy Núi sẽ được nâng tầm thành Hội đua bò quốc tế trong tương lai. Ảnh: Thanh Sang – TTXVN
Đề án "Bảo tồn và phát huy Hội đua bò Bảy núi, tỉnh An Giang" nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo ra sản phẩm tinh thần, thiết lập điểm đến trong chuỗi du lịch theo tuyến khép kín, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết: Đua bò ở vùng Bảy Núi đã có lịch sử hàng trăm năm, gồm cả hai hình thức: đua xe bò trên vùng đất khô (thường là đường làng) và đua bò có cây bừa trên ruộng xâm xấp nước. Hội đua diễn ra vào giai đoạn nông nhàn của cư dân nông nghiệp lúa nước. Do đó, đây chính là một lễ hội nông nghiệp điển hình của đồng bào Khmer Bảy Núi. Đến năm 2019, Hội đua bò đã trải qua 26 lần tổ chức (không kể vòng đua cấp xã, huyện), trở thành nét văn hóa độc đáo của cộng đồng vùng Bảy Núi ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang, thu hút sự quan tâm của du khách và hoạt động du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang kỳ vọng: Đề án sẽ giúp xây dựng kế hoạch và tiêu chí bảo tồn giống bò đua, kỹ thuật chăm sóc bò đua, kỹ năng huấn luyện bò đua, kỹ năng điều khiển bò đua...; nâng cấp cơ sở vật chất (sân đua, sân tập kết bò đua cơ sở liên xã)… ; tiếp tục hoàn thiện sân đua của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tổ chức Hội đua bò vùng Đồng bằng sông Cửu Long; nhu cầu thưởng thức của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Hội đua bò Bảy Núi An Giang được tổ chức từ ngày 29/8 đến ngày 1/9 âm lịch hàng năm. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN
Hội đua bò Bảy Núi An Giang được tổ chức từ ngày 29/8 đến ngày 1/9 âm lịch hàng năm. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN
Đề án cũng giúp quy hoạch và xây dựng chương trình đua bò gắn liền với các tiêu chí phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong tổng thể phát triển du lịch. Tỉnh xây dựng tour, tuyến du lịch, kết nối các điểm du lịch Châu Đốc - Núi Cấm, các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng đến các điểm tổ chức đua bò của hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên… Đặc biệt, tỉnh An Giang cũng chuẩn bị lộ trình, xây dựng đề án tổ chức Hội đua bò Bảy Núi vùng Đồng bằng sông Cửu Long và xa hơn là nâng tầm thành Hội đua bò quốc tế, An Giang trong tương lai với sự tham gia của đồng bào Khmer Campuchia và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, đề án cũng nhằm giúp ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang xây dựng chế độ đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân (chủ bò đua, tài xế…), tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho họ thực hành di sản tại cộng đồng, đồng thời, chọn lựa những nghệ nhân có đủ tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú", "Nghệ nhân Nhân dân" theo quy định trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Thanh Sang

Có thể bạn quan tâm