Nâng cấp Quốc lộ 62, vấn đề cấp thiết của Long An

Nâng cấp Quốc lộ 62, vấn đề cấp thiết của Long An
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông
Quốc lộ 62 vốn được nâng cấp từ tỉnh lộ 49, là tuyến đường huyết mạch đi về các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An (gồm huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường), kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, An Giang qua Quốc lộ N2. Đồng thời, đây cũng là tuyến đường độc đạo kết nối với nước bạn Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp.
Quan cảnh Quốc lộ 62 đoạn qua Huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: An Hiếu
Quan cảnh Quốc lộ 62 đoạn qua Huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: An Hiếu

Từ năm 1999, khi được đưa vào khai thác, sử dụng, tuyến đường này đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận chuyển, giao thương của người dân vùng vựa lúa Đồng Tháp Mười, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
 
Thế nhưng từ khi đưa vào sử dụng đến nay, Quốc lộ 62 chưa từng được sửa chữa lớn, chỉ giặm vá những chỗ hư hỏng nặng, hiện trạng Quốc lộ 62 đã không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt đường nhỏ hẹp chỉ 6m, thiếu vạch kẻ đường, không có dải phân cách, nhiều đoạn hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng là thực trạng của Quốc lộ 62 hiện nay. Trong khi đó lưu lượng vận tải ngày càng đông, đặc biệt vào các dịp lễ tết, khiến tuyến đường này trở nên quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đồng thời, đó cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông; trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng gây chết người.
 
Là người lái xe tải thường xuyên vận chuyển hàng hóa qua Quốc lộ 62, anh Nguyễn Văn Hoàng (Đồng Tháp) cho biết, thời gian gần đây, lượng phương tiện lưu thông qua tuyến đường này ngày càng đông, đặc biệt là vào dịp lễ tết hoặc mùa thu hoạch lúa thường xuyên xảy ra ách tắc.

Mặt đường nhỏ, hẹp, xuống cấp, một số khu vực đông dân cư, người dân còn dựng hàng quán, bảng hiệu lấn chiếm lòng lề đường khiến xe cộ qua lại khó khăn. Đi qua đường này rất mất thời gian, nhưng vì không có tuyến đường nào khác nên đành phải đi.
 
Ông Phạm Văn Bách (huyện Thủ Thừa, Long An) cho biết: “Tuyến đường chật hẹp mà xe cộ lại đông, tai nạn thường xuyên xảy ra khiến người dân không an tâm. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị với chính quyền, đại biểu Quốc hội… nhưng đến nay vẫn chưa thấy mở rộng”.
 
Việc Quốc lộ 62 nhỏ hẹp, xuống cấp, hư hỏng không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông mà còn ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư và vùng Đồng Tháp Mười, đặc biệt là Khu kinh tế cử khẩu quốc tế Bình Hiệp.
 
Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Long An (thị xã Kiến Tường, Long An) với quy mô hơn 13.000 ha. Chủ trương này được kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng biên giới, vùng Đồng Tháp Mười và các địa phương lân cận.
  
Thế nhưng từ đó đến nay, việc thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu gặp nhiều khó khăn. Toàn khu kinh tế mới chỉ thu hút được 4 dự án đầu tư; trong đó chỉ có 1 dự án đi vào hoạt động và vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc này là do hạ tầng giao thông kết nối chưa đảm bảo khiến các doanh nghiệp e dè, không mặn mà.
 
Ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường (Long An) cho biết: Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, địa phương có nhiều cơ chế ưu đãi, tuy nhiên, hệ thống giao thông kết nối còn hạn chế, đường nhỏ hẹp, xuống cấp, cầu cũng không bảo đảm tải trọng nên các nhà đầu tư chưa mặn mà, đến khảo sát xong rồi lại đi.

Địa phương nhiều lần kiến nghị tỉnh, Trung ương sớm có kế hoạch đầu tư, mở rộng Quốc lộ 62 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Khi nào tuyến đường này được đầu tư, mở rộng thì các địa phương vùng Đồng Tháp Mười mới có cơ hội thu hút đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp”.
 
Ông Trương Văn Triều, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, trong hơn 13.000 ha quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Bình Hiệp, Long An giành 6.700 ha để phát triển giai đoạn I của khu công nghiệp.

Thế nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cũng e dè. Một trong những nguyên nhân gây ra khó khăn này là do tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 62 hiện nay không đảm bảo yêu cầu phát triển, hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ.
 
Nâng cấp nhằm tăng thu hút đầu tư
Những lý do trên cho thấy, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường Quốc lộ 62 hiện nay đang là vấn đề cấp thiết nhằm góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Long An. 

Đồng thời, góp phần đảm bảo kết nối giao thông giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông với các tỉnh miền Tây Nam bộ, giảm áp lực giao thông trên tuyến Quốc lộ 1. Nếu so với di chuyển theo Quốc lộ 1, lựa chọn lưu thông theo Quốc lộ 62, Quốc lộ N2 sẽ rút ngắn được khoảng từ 60 - 80 km.
Quốc lộ 62 đoạn qua Huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: An Hiếu
Quốc lộ 62 đoạn qua Huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: An Hiếu
 
Theo Sở Giao thông vận tải Long An, từ năm 2016, UBND tỉnh Long An đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải kiến nghị ưu tiên đầu tư nâng cấp Quốc lộ 62.

Trong đó, đoạn từ cầu Rạch Chanh (thành phố Tân An, tỉnh Long An) đến cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, có chiều dài khoảng 70 km đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đề xuất đầu tư theo hình thức BOT với quy mô đường cấp III, tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, dự án sau đó đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chủ trương đầu tư theo hình thức BOT.
 
Tuy nhiên sau đó, việc đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường độc đạo hiện hữu thực hiện theo hình thức BOT là không còn phù hợp, Bộ Giao thông vận tải đã cho dừng dự án. Điều này đã đẩy việc đầu tư, cải tạo đoạn tuyến quốc lộ này vào thế khó khi nguồn vốn đầu tư lớn, nhu cầu cấp bách nhưng nguồn lực đang còn hạn chế.
 
Ông Trương Văn Triều đề xuất, trong điều kiện khó khăn, nếu không đủ kinh phí để đầu tư mở rộng toàn bộ tuyến đường Quốc lộ 62 (khoảng 70 km) thì có thể xem xét đầu tư mở rộng đoạn từ Khu kinh tế cửa khẩu Bình Hiệp đến nút giao giữa Quốc lộ 62 - N2 (ở huyện Thạnh Hóa, Long An), có chiều dài khoảng 40 km.

Từ đó, có thể kết nối theo Quốc lộ N2 đến Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nếu được vậy, tạm thời sẽ giải được bài toán khó trong thu hút đầu tư vào khu vực cửa khẩu và các vùng lân cận.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, ông Phạm Văn Cảnh, cho biết, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, dự án lại không thể triển khai thực hiện theo hình thức BOT đã tạo ra nhiều khó khăn cho địa phương.

Tỉnh đã xin Trung ương bố trí vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ để tiến hành mở rộng tuyến đường này theo từng đoạn, đồng thời duy tu, sửa chữa những đoạn hư hỏng để đáp ứng yêu cầu trước mắt. Về lâu dài sẽ nâng cấp, mở rộng toàn bộ tuyến đường khi bố trí được nguồn vốn./.
  Bùi Giang
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm