Nâng cao vai trò của lực lượng quản lý đê trong phòng, chống thiên tai

Nâng cao vai trò của lực lượng quản lý đê trong phòng, chống thiên tai

Ngày 30/7, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội nghị trực tuyến nối 21 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. 

Tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành nhấn mạnh: Hội nghị nhằm nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ thuật hộ đê, phòng, chống thiên tai cho lực lượng chuyên trách, quản lý đê điều các tỉnh, thành phố. Hội nghị tập trung tập huấn các nội dung liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Luật số 35/2018/QH 14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoach - nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều; Nghị định số 53/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch thủy lợi, đê điều, phòng chống lũ của tuyến sông có đê; Thông tư 68/2020/TT-BTC ngày 15/7/2020 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều, Chỉ thị 42/CT-TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều...

Theo ông Vũ Xuân Thành, thực tế chỉ đạo, điều hành phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai những năm qua cho thấy, lực lượng quản lý đê điều là người trực tiếp xử lý sự cố đê ngay từ giờ đầu, do đó, nơi nào các lực lượng đê điều có kinh nghiệm, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cao, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" thì sẽ hạn chế thiệt hại do lũ, bão gây ra.

Đề cập những kinh nghiệm trong công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Đỗ Tiến Bậc cho rằng cần có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân, kiên quyết đấu tranh với khai thác cát trái phép. Cần xây dựng các chế tài, văn bản chỉ đạo, đề án, kế hoạch chi tiết, giao trách nhiệm rõ ràng và có kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an để giải quyết nạn khai thác cát trái phép. Đồng thời, phải rà soát và công khai quy hoạch các mỏ vật liệu trên địa bàn, giải quyết thông thoáng các thủ tục cấp phép khai thác sẽ góp phần hạn chế, ngăn chặn khai thác cát trái phép...

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa Lê Minh Trường cho biết, để thực hiện tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng hộ đê có hiệu quả, hằng năm UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, ngành tích cực tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc công tác chuẩn bị, sẵn sàng hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ”. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng năm phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ, xác định các vị trí xung yếu để xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ trọng điểm và triển khai công tác chuẩn bị “4 tại chỗ”. Riêng năm 2020, Sở đã xây dựng 34 phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu về đê điều, gồm 2 trọng điểm loại I, 14 trọng điểm loại II và 18 trọng điểm loại III. Hằng năm, các huyện, thị xã, thành phố có đê đều triển khai rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án sơ tán dân. Theo thống kê năm 2020, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 17.726 hộ trên tổng số 67.529 khẩu (sống theo các triền sông lớn có đê từ cấp III đến cấp I) và 33.465 hộ trên tổng số 130.723 khẩu ( sống theo các triền sông con có đê dưới cấp III) nằm ở khu vực bãi sông, vùng trũng thấp phải sơ tán khi có lũ.

Cũng theo ông Vũ Xuân Thành, hiện nay, trong hệ thống đê điều còn nhiều khu vực xung yếu, trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn gần 400 km đê thiếu cao trình; 683 km đê mặt cắt nhỏ; 160 km đê thường bị đùn sủi, thẩm lậu; 459 cống cũ, hư hỏng; 158 km kè sạt lở, hư hỏng; 230 vị trí trọng điểm xung yếu. Mặc dù năm 2019 không có lũ lớn trên các tuyến sông có đê, nhưng tại hệ thống đê điều cũng đã xảy ra trên 40 sự cố, trong đó có những sự cố nghiêm trọng uy hiếp đến an toàn đê như: sạt lở đê Tả Thao (xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ); sạt lở kè Bầu, đê Tả Thương (tỉnh Bắc Giang); nứt đê Tả Đáy (tỉnh Hà Nam), sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long...    

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến xu thế thời tiết và tình hình thiên tai năm 2020, kinh nghiệm phối hợp với chính quyền các cấp trong thực hiện phong trào thi đua "xây dựng đê kiểu mẫu", thực trạng công tác quản lý bãi sông, nâng cao chất lượng công tác đánh giá hiện trạng đê điều, xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, kinh nghiệm trong xử lý sự cố.

Thắng Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm