Nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ công đoàn về dân tộc, tôn giáo và giảm nghèo

Nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ công đoàn về dân tộc, tôn giáo và giảm nghèo

Ngày 4/11, tại Lạng Sơn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Lạng Sơn tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo và giảm nghèo cho cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền của Liên đoàn Lao động các tỉnh khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ.

Nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ công đoàn về dân tộc, tôn giáo và giảm nghèo ảnh 1Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Lê Sơn Hải phát biểu tại Hội nghị tập huấn. Ảnh: Thái Thuần - TTXVN

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, tập huấn nhằm cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ Công đoàn về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; kỹ năng nắm bắt, cung cấp thông tin, kiến thức góp phần giảm nghèo thông tin.

Các đại biểu được trao đổi các chuyên đề về: “Vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay”; “Vấn đề về tôn giáo trong vùng dân tộc thiểu số và những lưu ý khi thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo”; “Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin của cán bộ công đoàn” và “Kỹ năng lãnh đạo của cán bộ Công đoàn trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện”.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Một số vấn đề bức xúc về đời sống của đồng bào thiếu đất ở, đất sản xuất, tình trạng du canh, du cư… chưa được giải quyết thấu đáo. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, thoát nghèo chưa bền vững. Khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, văn hóa giáo dục còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực thấp...

Cùng với đó, vùng dân tộc thiểu số và miền núi thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 cùng nhiều loại dịch bệnh khác đã và đang gây hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cần có sự quan tâm, đầu tư lớn của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.

Nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ công đoàn về dân tộc, tôn giáo và giảm nghèo ảnh 2 Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn. Ảnh: Thái Thuần - TTXVN

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 trong tình hình mới, các cấp, ngành cần quán triệt sâu sắc nội dung Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Cụ thể, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng về công tác dân tộc, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong tình hình mới; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc miền núi phải toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và phát huy mọi nguồn lực, lợi thế, khai thác tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số.

Các cấp, các ngành cần nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án; tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa và xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, thúc đẩy đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thế mạnh của từng địa phương, chú trọng phát triển liên vùng. Các địa phương quan tâm phát triển di lịch, nhất là du lịch sinh thái gắn với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số…

Cùng với đó, là phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng” về an ninh trật tự; tăng cường quan hệ hợp tác, đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân vùng biên giới.

Các cấp, các ngành tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Các cấp, các ngành nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc; đổi mới mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thái Thuần

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm