Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Bài 1)

Chăm sóc rau màu trong nhà lưới tại Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông (Gò Công Đông, Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Chăm sóc rau màu trong nhà lưới tại Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông (Gò Công Đông, Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Phát triển kinh tế tập thể là một trong các nhiệm vụ nhằm đưa ngành nông nghiệp đi lên, phát huy vai trò của sự đoàn kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Năm 2012, Luật Hợp tác xã kiểu mới ra đời đã thổi một làn gió mới trong phát triển kinh tế tập thể, làm thay đổi quan niệm cũ về kinh tế hợp tác xã. Đó là xây dựng mô hình hợp tác xã có vai trò tương đương một doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay các quy định trong Luật Hợp tác xã 2012 đã có nhiều hạn chế, gây cản trở sự phát triển của mô hình kinh tế tập thể này cần phải sửa đổi để hợp tác xã phát triển.

Bài 1: Phát huy vai trò kết nối

Vai trò của Hợp tác xã trong việc kết nối từng cá thể nông dân trong thời kì quốc tế hóa thương mại, là điều không thể phủ nhận. Với tiến độ giao thương trong nước và quốc tế hiện nay, từng cá thể nông dân không thể tự đứng ra sản xuất, chế biến và thực hiện một giao dịch nông sản. Chính vì vậy, hợp tác xã là đơn vị nhỏ nhất có tư cách pháp nhân của một tổ chức, tiến hành giao thương và mang giá trị thặng dư về cho từng cá thể.

Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Bài 1) ảnh 1Chăm sóc rau màu trong nhà lưới tại Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông (Gò Công Đông, Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Giúp kết nối nông dân nhỏ, lẻ

Hợp tác xã và kinh tế tập thể vốn xuất hiện tại Việt Nam từ rất sớm. Ngay từ giai đoạn 1955-1985, hợp tác xã hình thành, tập hợp người sản xuất nhỏ, lẻ trong một ngành nghề và thực hiện theo cơ chế khoán việc. Sau nhiều thay đổi, chuyển giao giữa kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường 1986-1996, kinh tế hợp tác xã gặp nhiều khó khăn, nhiều hợp tác xã hoạt động không hiệu quả. Sang giai đoạn 1996-2012, sự chuyển biến dần sang kinh tế thị trường cũng đã tạo động lực cho các hợp tác xã phát triển. Nhưng có động lực nhất là kể từ khi Luật Hợp tác xã 2012 ra đời, góp phần xác định hướng đi đúng đắn và cụ thể hơn cho các hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp. Trong hơn 10 năm Luật Hợp tác xã có hiệu lực, các đơn vị hợp tác xã, tổ hợp tác đi vào hoạt động, ít nhiều cũng đã đóng góp tích cực trong việc tập hợp nông dân, tạo thành một tập thể có tư cách pháp nhân, có kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, có tiêu chí chất lượng cụ thể để đàm phán với các đơn vị thu mua trong nước, thậm chí liên kết quốc tế.

Theo báo cáo của Viện Kinh tế Trung ương, kể từ khi có Luật Hợp tác xã, kinh tế hợp tác xã đã đóng góp trực tiếp trung bình 48% GDP cả nước, đóng góp gián tiếp trung bình 30% GDP thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên. Tính đến cuối năm 2022, cả nước có gần 30.000 hợp tác xã, 125 liên hiệp hợp tác xã, 71.000 tổ hợp tác. Trong số lượng hợp tác xã và tổ hợp tác này, có 35.000 tổ hợp tác, 19.500 hợp tác xã, 91 liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút 3,8 triệu thành viên tham gia, giải quyết 1,5 triệu lao động tại các địa phương tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.

Như vậy, hợp tác xã và tổ hợp tác ra đời, đặc biệt là các hợp tác xã nông nghiệp đã có vai trò kết nối được các hộ nông dân nhỏ, lẻ, sản xuất manh mún vào một tập thể lớn hơn, dễ dàng trong việc xác định hướng sản xuất sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm trước sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Nói về vai trò kết nối nông dân của hợp tác xã, đưa nông dân vào guồng máy sản xuất hiệu quả hơn, ông Ngô Minh Long, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hậu Giang cho biết, dù hợp tác xã chưa mang lại hiệu quả cao nhất như mong muốn, nhưng hợp tác xã đã phát huy được vai trò tập hợp nông dân, vận động nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm. Thông qua các hợp tác xã, đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và nhà nước đến gần với nông dân hơn. Đồng thời giúp cho sản phẩm nông nghiệp tìm được đầu ra và chỗ đứng trên thị trường.

Với nông dân sản xuất nhỏ lẻ, việc có một tổ chức định hướng sản xuất, có mối quan hệ hợp tác và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với nhau là điều nông dân luôn mong muốn. Với cách nghĩ, cách làm theo hướng buôn có bạn, bán có phường, thì sản xuất theo kế hoạch thị trường cũng là một giải pháp kinh tế ổn định cho nông dân.

Đồng bằng sông Cửu Long là mảnh đất có thế mạnh về nông nghiệp. Nếu thực sự tự vận động, hầu hết nông dân khu vực này sẽ lúng túng, rơi vào tình thế cạnh tranh lẫn nhau để tìm đầu ra. Nhưng có hợp tác xã, mỗi nông dân chỉ cần làm tốt nhiệm vụ, tạo ra sản phẩm tốt theo yêu cầu của các đơn vị khách hàng, đã tạo sự thành công cho một tập thể nông dân cùng ngành nghề.

Nói về vai trò kết nối quan trọng của hợp tác xã, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre chia sẻ, từ khi mới thành lập, Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre chỉ có 69 thành viên, nhưng hiện nay đã thu hút được hơn 310 thành viên tham gia. Từ sự tham gia vào hợp tác xã này, các thành viên hợp tác xã có nhiều cơ hội hợp tác với các hợp tác xã nông nghiệp của Canada, trao đổi kinh nghiệm sản xuất bưởi da xanh, cũng như tìm kiếm khách hàng phù hợp với phương thức sản xuất, tiêu chuẩn sản xuất của Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre. Đây là nơi giúp nông dân sản xuất bưởi da xanh chất lượng và tìm hiểu thêm nhiều tiêu chuẩn chất lượng khác, tiếp cận khoa học, công nghệ sản xuất để có thể đứng vững trên thị trường...

Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Bài 1) ảnh 2Sơ chế rau an toàn tại Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông (Gò Công Đông). Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Tạo sự ổn định cho nông dân

Bên cạnh vai trò kết nối các cá thể nông dân sản xuất nhỏ lẻ, đơn vị sự nghiệp nhỏ nhất như hợp tác xã còn có nhiều vai trò quan trọng khác, giúp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp trở nên hiệu quả hơn. Trải qua nhiều biến động kinh tế, chính trị, xã hội, ứng phó dịch bệnh trong 3 năm qua, hợp tác xã trở thành đơn vị kết nối, tiêu thụ nông sản cho nông dân, cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm cho các địa phương hiệu quả nhất.

Đơn cử trong thời gian cả nước ứng phó với dịch bệnh COVID-19, mỗi địa phương đều phải thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 về giãn cách ứng phó với dịch bệnh COVID-19, từng cá thể nông dân không thể tự tiêu thụ sản phẩm, càng không thể kết nối với đơn vị doanh nghiệp lớn hơn, khó có thể đồng loạt nắm bắt các chỉ đạo của địa phương trong sản xuất và cung ứng thực phẩm. Thông qua hợp tác xã, sản phẩm nông nghiệp của từng hộ nông dân mới có thể được tập kết, kết nối tiêu thụ và vận hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thời điểm này. Với giai đoạn vượt qua dịch bệnh COVID-19, các hợp tác xã đã thể hiện được vai trò của mình trong kết nối các nông dân để tiêu thụ sản phẩm, đưa đến người tiêu dùng an toàn, hiệu quả.

Đơn cử, tại Tiền Giang, hợp tác xã đã nỗ lực để các thành viên trong hợp tác xã có thể tiếp cận công nghệ, đưa hàng hóa ra thị trường. Ông Trần Văn Bương, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Rau an toàn Tân Đông cho biết, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt ghi chép nhật ký sản xuất của xã viên đến ứng dụng bao bì, nhãn mác, địa chỉ truy xuất nguồn gốc mà hợp tác xã sớm có được uy tín, từng bước tạo lập thương hiệu, ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các đối tác như: Siêu thị Co.opmart, Công ty Bách Hóa Xanh và một số bếp ăn tập thể của các tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài tỉnh với số lượng từ 1,5- 2 tấn mỗi ngày, với các mặt hàng chủ lực là cải xanh, cải ngọt, cải thìa, mồng tơi, rau muống, rau dền và các mặt hàng rau ăn quả (bầu, bí xanh, mướp, dưa leo, khổ qua, đậu bắp…).

Ngoài cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, bếp ăn tập thể, Hợp tác xã còn cung ứng ra thị trường từ 300-400kg sản phẩm mỗi ngày. Ngoài ra, Hợp tác xã còn xuất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc khoảng 2 chuyến mỗi tuần với số lượng trên 1 tấn hàng/chuyến, với các mặt hàng như rau ngót, rau om, củ hành tím… Giá rau xuất khẩu cao hơn khoảng 30 - 40% so với thị trường nội địa. Trong năm 2022, Hợp tác xã đã tiêu thụ sản phẩm do thành viên sản xuất trên 2.300 tấn rau, củ, quả các loại. Doanh thu đạt trên 6,5 tỷ đồng, tạo thu nhập cho người lao động thường xuyên bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Để có thể tạo nên chất lượng sản phẩm hiệu quả, Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông đã không ngừng tập huấn cho các thành viên kỹ thuật sản xuất rau, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn rau an toàn VietGAP. Kể từ những nỗ lực này, hợp tác xã cùng với sự góp sức của các thành viên, Hợp tác xã Rau an toàn Tân Đông đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các ngành, các cấp, được UBND tỉnh Tiền Giang tặng Cờ đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua năm 2021. Với hướng đi đúng đắn, hợp tác xã rau an toàn Tân Đông đã giúp bà con xã viên không chỉ tìm đầu ra ổn định, mà còn góp phần tạo ra nguồn nông sản xanh, sạch, chất lượng và an toàn. "Với sự quyết tâm của Ban Quản trị và bà con xã viên, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, Hợp tác xã Rau an toàn Tân Đông sẽ tiếp tục được mở rộng và phát triển bền vững trong thời gian tới", ông Trần Văn Bương chia sẻ thêm. (Xem tiếp Bài 2: Đổi mới tăng nội sinh, phát huy hiệu quả)

Trinh Hoàng Nhan

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm