Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn biển Việt Nam (Bài cuối)

Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn biển Việt Nam (Bài cuối)
Bài cuối: Cụ thể hóa cơ chế liên doanh, liên kết bảo vệ Khu bảo tồn biển Phú Quốc 

Khu vực ngư trường vùng Đông Bắc đảo Phú Quốc. Ảnh: Ngọc Hà -TTXVN
Khu vực ngư trường vùng Đông Bắc đảo Phú Quốc. Ảnh: Ngọc Hà -TTXVN

Với định hướng phát triển Phú Quốc thành Trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao mang tầm quốc gia và khu vực theo Quyết định số 178 của Chính phủ, những năm gần đây tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư xây dựng tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã diễn ra rất nhanh, nhiều công trình dự án quy mô lớn đang được đầu tư xây dựng nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy vậy, mặt trái của việc phát triển này luôn kéo theo những tiềm ẩn, nguy cơ đe dọa đến môi trường và hệ sinh thái biển trong Khu bảo tồn biển. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hà Thế Phong - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc.

Mũi Dinh Cậu nằm ngay tại thị trấn Dương Đông là một thắng cảnh mà khách thăm Phú Quốc không ai không tìm đến thưởng ngoạn. Ảnh Minh Đức –TTXVN
Mũi Dinh Cậu nằm ngay tại thị trấn Dương Đông là một thắng cảnh mà khách thăm Phú Quốc không ai không tìm đến thưởng ngoạn. Ảnh Minh Đức –TTXVN

* Phú Quốc được đánh giá là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn của cả nước và có số lượng cá thể lớn. Nhưng Khu bảo tồn biển này cũng đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường biển bởi nhiều yếu tố khác nhau. Vậy ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Vùng biển Phú Quốc - Kiên Giang nói chung và vùng biển thuộc phạm vi của Khu bảo tồn biển Phú Quốc nói riêng, xét về chất lượng môi trường nước và hệ sinh thái biển được đánh giá trong tình trạng rất tốt và sạch, là môi trường lý tưởng cho nguồn lợi thủy sản ven bờ sinh sản, cư trú và phát triển ngành kinh tế thủy sản của địa phương. Đặc biệt trong vùng biển Phú Quốc có rất nhiều loài động vật biển quý hiếm nằm trong sách đỏ và được đưa vào bảo vệ nghiêm ngặt như : Bò biển, Dugong, cá heo, các loại rùa biển; có sự phân bố của thảm cỏ biển với diện tích lớn nhất cả nước và chuỗi hệ sinh thái rạn san hô tuyệt đẹp có giá trị đa dạng sinh học cao phân bố quanh các hòn đảo trong vùng biển Phú Quốc.

Theo nghiên cứu, đánh giá của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc thì hiện nay có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan tạo ra sự ô nhiễm môi trường biển, đe dọa hoặc làm tổn thương đến các hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản ven bờ.
 
Rác thải ngập tràn trên bãi tắm Dinh Cậu, ngay trung tâm huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: Bùi Như Trường Giang
Rác thải ngập tràn trên bãi tắm Dinh Cậu, ngay trung tâm huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: Bùi Như Trường Giang

Xét về nguyên nhân chủ quan, sự gia tăng về số lượng tàu thuyền đánh bắt thủy sản tại địa phương và cả tàu thuyền đánh bắt ngoài tỉnh tập trung khai thác, đánh bắt trên vùng biển Phú Quốc ngày càng nhiều, do đó nguồn lợi thủy sản quanh đảo đang bị cạn kiệt dần. Bên cạnh đó, việc ngư dân sử dụng các nghề khai thác mang tính chất hủy diệt nguồn lợi như: cào điện, đánh bắt bằng hóa chất độc và các công cụ khai thác có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hệ sinh thái ven bờ, ven đảo (san hô, cỏ biển); nguyên vật liệu và chất thải từ các công trình xây dựng gần bờ biển và trên các hòn đảo đã tạo nên mối trầm tích nguy hại ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái biển.

Mặt khác, ý thức về bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản của ngư dân và khách du lịch còn rất thấp, hiện vẫn còn tồn tại tình trạng khai thác san hô trái phép, săn bắt động vật biển quý hiếm, tình trạng buôn bán các sản phẩm hàng lưu niệm có nguồn gốc từ san hô vẫn diễn ra; các loại rác thải rắn khó phân hủy hình thành từ các khu dân cư và từ các hoạt động dịch vụ du lịch ngày càng nhiều và được xả thải vô ý thức xuống biển tạo thành những bãi rác không mong muốn trên các rạn san hô đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, chất lượng sống của các hệ sinh thái biển trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc.

Về nguyên nhân khách quan, trước thực trạng nóng lên của toàn cầu và sự biến đổi khí hậu phức tạp, vùng biển trong khu vực bảo tồn có dấu hiệu gia tăng nhiệt độ nước làm cho một vài điểm rạn san hô xung quanh các hòn đảo nhỏ và ven bờ đảo Phú Quốc bị chết hàng loạt (còn gọi là hiện tượng tẩy trắng), phá vỡ tính cân bằng sinh thái trong hệ đa dạng sinh học vùng biển Phú Quốc và làm thay đổi điều kiện sinh cư của các loài thủy sản. Tuy vậy qua những nghiên cứu, đánh giá hầu hết các rạn san hô bị tẩy trắng đều có dấu hiệu phục hồi rất tốt, nguồn lợi thủy sản sống trong rạn san hô hiện đã dần được cải thiện.

* Để các khu bảo tồn biển hoạt động đúng chức năng và đem lại hiệu quả cho hệ sinh thái biển, cần phải tháo gỡ những vấn đề gì nhằm giải quyết mối quan hệ giữa bảo vệ, bảo tồn với phát triển kinh tế và du lịch?

 - Để giải quyết mối quan hệ giữa bảo vệ, bảo tồn với phát triển kinh tế và du lịch thì đây cũng là vấn đề chung đặt ra đối với tất cả các khu bảo tồn biển ở nước ta hiện nay. Tất cả các dự án tham gia đầu tư vào Khu bảo tồn biển Phú Quốc phải tuân thủ những quy định trong Nghị định 57/2008/NĐ-CP, ngày 2/5/2008 của Chính phủ về Ban hành Quy chế quản lý các Khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế và Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc. Một số dự án đầu tư đã và đang xin chủ trương giao đất trên các đảo nhỏ thuộc Khu bảo tồn biển Phú Quốc để xây dựng các khu nghỉ dưỡng kết hợp công tác bảo tồn biển đang bị ràng buộc bởi các quy định của Nghị định 57/2008/NĐ-CP.

Cụ thể, việc thực hiện liên kết, liên doanh theo Nghị định 57/2008/NĐ-CP, hiện Ban quản lý Khu bảo tồn biển đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế liên kết, liên doanh do chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về cơ chế này. Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc đã kiến nghị vấn đề này lên cấp trên và rất mong sớm có cơ chế rõ ràng để Ban quản lý thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Trong quá trình liên kết, liên doanh Ban quản lý Khu bảo tồn biển sẽ kết hợp với doanh nghiệp thực hiện thu phí tham quan danh lam thắng cảnh trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc. Nguồn thu từ nguồn thu phí và các nguồn kinh phí sự nghiệp sẽ được tập trung thực hiện các hoạt động truyền thông, ươm trồng san hô, trồng phục hồi san hô, bảo vệ thảm cỏ biển…

Hơn nữa, sự phối kết hợp giữa Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc với các Đồn và Trạm Biên phòng trong việc tuần tra, kiểm soát trên biển và thu phí tham quan trong khu bảo tồn tuy được cải thiện đáng kể nhưng hiệu quả không cao. Các tàu du lịch khi đưa khách tham quan Khu bảo tồn biển thường trốn tránh mua vé. Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc không có chức năng, chế tài xử lý các hành vi này và các hành vi khác vi phạm quy chế quản lý khu bảo tồn trong khi các lực lượng phối hợp có chức năng lại không xử lý.

Với tốc độ phát triển du lịch như hiện nay Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc rất cần các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa, lập quy hoạch chi tiết cho từng phân khu chức năng của Khu bảo tồn biển Phú Quốc. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái kết hợp công tác bảo tồn biển.

* Về định hướng cơ chế phối hợp, liên doanh, liên kết trong công tác bảo tồn biển tại Việt Nam, trong thời gian tới Khu bảo tồn biển Phú Quốc cần thực hiện nhiệm vụ cụ thể gì, thưa ông?

- Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc sẽ căn cứ vào Điểm b, Khoản 3, Điều 5 của Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ngày 2/5/2008 của Thủ Tướng Chính phủ Ban hành Quy chế quản lý các Khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế: “Được tự tổ chức hoặc liên kết, liên doanh với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các hoạt động dịch vụ du lịch và các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan”.

Vì vậy, đối với các dự án phù hợp Ban quản lý sẽ liên kết, liên doanh khi được sự chấp thuận của UBND tỉnh Kiên Giang theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục kiến nghị cấp trên phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế liên kết, liên doanh theo Nghị định số 57/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện tại, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Chi cục Thủy sản Kiên Giang.

Khi tham gia thẩm định các dự án có đất liền kề với Khu bảo tồn biển, Ban quản lý đều yêu cầu nhà đầu tư các dự án trên thực hiện đánh giá tác động môi trường, kiểm soát nguồn thải, tái sử dụng lại nguồn nước sau xử lý không thải ra biển.

Về loại hình du lịch, Ban quản lý khuyến khích các hoạt động du lịch sinh thái thân thiện với môi trường, không gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển. Ban quản lý thường xuyên phối hợp với các viện, trường, các chuyên gia, các tổ chức trong và ngoài nước học hỏi kỹ thuật mới về lắp đặt rạn san hô nhân tạo, trồng phục hồi san hô, biện pháp bảo vệ cỏ biển và các loại động vật biển có nguy cơ tuyệt chủng …vào Khu bảo tồn biển Phú Quốc. Định kỳ, thực hiện quan trắc chất lượng nước và giám sát đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc.

Ngoài ra, tiếp tục phối hợp thanh tra chuyên ngành, lực lượng biên phòng tuần tra kiểm soát; tuyên truyền giáo dục nhận thức cộng đồng trong việc thực thi pháp luật trong khu bảo tồn biển, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy chế quản lý khu bảo tồn.

* Trân trọng cảm ơn ông!
Diệu Thúy

Có thể bạn quan tâm