Nâng cao hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn

Nâng cao hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn

Ngày 16/11, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (CITENCO) và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) phối hợp tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác dự án “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”. 

Nâng cao hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn ảnh 1Lãnh đạo CITENCO và PRO Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu thống kê năm 2019, mỗi ngày Thành phố có khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải nhựa chiếm tỷ trọng cao (chỉ sau rác hữu cơ), khoảng hơn 1.500 tấn; tỷ lệ gia tăng khối lượng hàng năm là khoảng 6 - 10%, trong đó khối lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người là 0,98kg/người/ngày. Tốc độ tăng nhanh chóng cùng với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp của chất thải rắn đô thị đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, công tác thu gom, xử lý chất thải tái chế tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay còn dàn trải, chưa tập trung; phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại; chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng; phần lớn chất thải tái chế phát sinh chưa được phân loại, thu gom để phục vụ cho hoạt động tái sinh, tái chế tạo nguồn nguyên liệu thứ cấp trong sản xuất các sản phẩm thiết yếu thân thiện môi trường; một lượng chất thải tái chế bị thải bỏ trái phép ra môi trường, gây ô nhiễm và lãng phí tài nguyên, quỹ đất, ngân sách.

Từ thực trạng trên, CITENCO và PRO Việt Nam nhận thấy phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là giải pháp rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện thành công sẽ giúp các nhà quản lý, các đơn vị xử lý có nhiều giải pháp trong xử lý tái chế chất thải. Điều này không những mang lại giá trị lớn cho môi trường mà còn mang lại giá trị về kinh tế và xã hội.

Với trách nhiệm là hai đơn vị đi đầu trong lĩnh vực vệ sinh môi trường của Thành phố Hồ Chí Minh, CITENCO và PRO Việt Nam cùng hợp tác nghiên cứu, xây dựng dự án “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn".

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam cho biết, theo kế hoạch, dự án sẽ bắt đầu được triển khai tại hai quận Bình Tân và Tân Phú trước khi mở rộng ra toàn Thành phố.

Theo đó, CITENCO và PRO Việt Nam sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể chính trị xã hội tổ chức tuần lễ thu đổi chất thải tái chế định kỳ hàng tuần; đối tượng hướng đến là các chủ nguồn thải có khối lượng phát sinh lớn như đơn vị kinh doanh, trung tâm thương mại, khu chế xuất, khu công nghiệp..., địa điểm lưu chứa chất thải là Công trường Xử lý chất thải rắn Gò Cát (quận Bình Tân) với diện tích sử dụng 6.000 m2.

Đối với chất thải sinh hoạt từ các hộ gia đình, hoạt động thu gom sẽ tiến hành thông qua hình thức đổi thành tiền và đổi quà như nhu yếu phẩm, mặt hàng tiêu dùng, phiếu ưu đãi mua sắm và du lịch...; loại chất thải thu gom chủ yếu tập trung vào 4 nhóm là nhựa, giấy, kim loại và thủy tinh. Các loại chất thải sau khi được cân xác định khối lượng sẽ được vận chuyển về nhà máy tiền xử lý Gò Cát lưu chứa, sau đó chuyển giao cho các đối tác tái chế của PRO Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn ảnh 2Lãnh đạo CITENCO và PRO Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

CITENCO và PRO Việt Nam hy vọng, việc thực hiện dự án hợp tác lần này sẽ là cơ sở hình thành thị trường thu hồi và tái chế chất thải tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy các hoạt động thu gom, thu hồi, tái chế và tái sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải; tận dụng tối đa nguồn tài nguyên từ chất thải phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế; đảm bảo rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa không bị đưa ra môi trường, gắn với việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về phong trào “Chống rác thải nhựa”. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất không phát thải, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, bền vững./.

Hồng Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm