Nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng dân tộc thiểu số

Nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng dân tộc thiểu số
Mạng lưới cô đỡ thôn bản đang hoạt động hiệu quả việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho đồng bào dân tộc. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Mạng lưới cô đỡ thôn bản đang hoạt động hiệu quả việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho đồng bào dân tộc. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Từ năm 2016, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em được triển khai trong khuôn khổ dự án “Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai” thực hiện tại 6 địa phương trên. Dự án có tổng vốn đầu tư 129,4 triệu USD, tương ứng khoảng 2.903 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ODA từ JICA là 2.365 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của 6 địa phương. Theo ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em dùng để theo dõi sức khỏe bà mẹ trong quá trình mang thai, chăm sóc mẹ và trẻ trong đẻ và sau đẻ, chăm sóc trẻ từ lúc sơ sinh cho đến 6 tuổi. Đây là tài liệu có tác dụng tốt để cung cấp thông tin cho các bà mẹ biết cách giữ gìn sức khỏe. Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em còn là căn cứ khoa học giúp đội ngũ làm công tác chăm sóc ở cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành, từ đó có thể nắm bắt được diễn biến quá trình thai nghén của bà mẹ, có hướng xử lý và can thiệp kịp thời, hạn chế được các tai biến sản khoa. Đồng thời phát hiện những dấu hiệu bất thường của thai nhi và các diễn tiến, quá trình phát triển của bé về thể chất, tinh thần. Trên cơ sở đó có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp cho mỗi bé và có những tư vấn kịp thời cho cha mẹ điều chỉnh cách chăm sóc, dạy dỗ trẻ. Tại hội thảo, đại diện các địa phương cũng khẳng định, việc triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em nhận được sự đồng thuận cao của Bộ Y tế và các đơn vị ngành y tế ở tỉnh; đồng thời được người dân ủng hộ cũng như bước đầu đã ý thức sự hữu ích của cuốn sổ và dần nhận thức sự cần thiết của việc theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em. Tuy nhiên trong quá trình triển khai cũng gặp rất nhiều khó khăn như thói quen không mang theo sổ khi đến cơ sở y tế của người dân, quá trình ghi chép triển khai sổ còn có sự trùng lặp và áp lực về khối lượng ghi chép nhiều loại sổ theo dõi khác nhau. Nhận thức của người dân còn hạn chế, chủ yếu là người dân vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, có nhiều trường hợp người dân không biết đọc và viết... Ông Trần Đăng Khoa cho biết trước những khó khăn mà các tỉnh đang gặp phải, thời gian tới Bộ Y tế sẽ hỗ trợ sổ, mở các lớp tập huấn đào tạo cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, lồng ghép việc sử dụng các chương trình và mục tiêu, hỗ trợ vốn của JICA… Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Lào Cai 15.000 cuốn sổ, Lai Châu 10.000 cuốn sổ. Bộ Y tế mong muốn các tuyến y tế cơ sở cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng sổ để nâng cao nhận thức cho người dân. Các cán bộ y tế thôn bản cần “cầm tay chỉ việc” hỗ trợ hướng dẫn người dân trong việc điền thông tin trong sổ và thường xuyên nhắc nhở khi tới các cơ sở y tế cần mang theo sổ .

Cao Hương

Có thể bạn quan tâm