Nâng cao giá trị thương hiệu su su Sa Pa nhờ liên kết "4 nhà"

Trồng su su lấy ngọn mang lại hiệu quả gấp 3-4 lần so với trồng ngô ở xã Hồng Thái. Ảnh: Văn Tý/TTXVN
Trồng su su lấy ngọn mang lại hiệu quả gấp 3-4 lần so với trồng ngô ở xã Hồng Thái. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Thời điểm này, thị xã Sa Pa, Lào Cai đang vào chính vụ thu hoạch su su. Tin mừng đối với bà con trồng su su năm nay tại Sa Pa đó là mặc dù sản lượng giảm 20% so với năm 2019 do ảnh hưởng của thời tiết nhưng giá trị cao hơn cùng kỳ năm trước từ 15-20%. Giá trị của loại cây trồng ôn đới này ngày càng được nâng cao trên thị trường không chỉ bởi sự tin cậy của các khách hàng đối với sản phẩm thuần hữu cơ.

Nâng cao giá trị thương hiệu su su Sa Pa nhờ liên kết "4 nhà" ảnh 1Trồng su su lấy ngọn mang lại hiệu quả gấp 3-4 lần so với trồng ngô ở xã Hồng Thái. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Việc liên kết chặt chẽ "4 nhà" (Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp) trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong vài năm trở lại đây đã khiến cây trồng này có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cả nước, lượng cung không đủ cầu, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng và tạo việc làm cho nhiều lao động người địa phương.

Thời điểm này nếu ai có dịp đi qua phường Ô Quý Hồ và xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những giàn su su trĩu quả, xanh mướt ven đường và lưng đồi kéo dài hàng chục km cùng những sạp hàng nhỏ hoặc gùi su su vừa được hái xuống chuẩn bị đem đi tiêu thụ.

Hiện tại dù đang là mùa hè, nhưng tại km 6 trên đèo Ô Quý Hồ, nối từ thị trấn Sa Pa sang Lai Châu, gió lạnh vẫn thổi ù ù. Bà con nông dân mang áo khoác, đi ủng mải miết cân và đóng gói su su mang nhãn hiệu "su su sạch Ô Quý Hồ". Sản phẩm có ghi rõ địa chỉ sản xuất, mã số mã vạch do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường - chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. Mỗi chuyến xe đóng xong hàng sẽ rời Sa Pa trước tám giờ sáng để còn kịp về Hà Nội và các tỉnh khác trong ngày.

Thị xã Sa Pa nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, khí hậu ôn đới quanh năm mát lạnh là điều kiện lý tưởng để phát triển vùng rau quả ôn đới cao cấp. Tuy vậy, đối với những du khách sành ăn khi lên Sa Pa, món ngon đầu tiên họ lựa chọn thường là sản phẩm từ su su. Su su Sa Pa nổi tiếng về độ ngon ngọt không nơi nào sánh bằng, hơn nữa theo các chủ vườn và chuyên gia nông nghiệp địa phương, su su là loại cây không có sâu bệnh như những loại cây khác do đó hoàn toàn được trồng bằng phương pháp hữu cơ, không phun tưới, an toàn cho người sử dụng.

Năm 2020, huyện Sa Pa trồng 120 ha su su; trong đó 80 ha trồng lấy quả và 40 ha trồng lấy ngọn. Khác với Tam Ðảo hay Ðà Lạt, ở Sa Pa, su su chỉ trồng một lần có thể để nguyên gốc cho thu hoạch tới hàng chục năm không tàn. Chính vì lẽ đó, su su Sa Pa luôn giữ được nguồn gen gốc (do ít bị thoái hóa giống), vì vậy quả ngon hơn nơi khác, giòn và ngọt, không bị bở khi nấu chín.

Ngoài ra, theo ông Vũ Xuân Quý, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, su su là loại rau thích nghi rộng, có thể trồng được ở nhiều nơi, cả miền núi cao giá rét cũng như trung du, đồng bằng nóng nực. Tuy nhiên, cây su su chỉ phát huy đặc tính nguyên chủng, phẩm chất cao cấp của nó trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp. Do đó, khu vực đèo Ô Quý Hồ, bao gồm các tổ 12, 13, 14, ở độ cao 1.300 - 1.500 m so với mực nước biển, quanh năm sương mù giá rét, thường có tuyết rơi, hiện có khoảng 100 ha su su, trở thành vùng sản xuất quả và ngọn rau su su lý tưởng nhất của Lào Cai.

Bà Hà Thị Thập, thành viên Hợp tác xã Hoa Ðào cho biết, giá thành su su quả thu hái tại vườn là 8.000 -12.000đ/kg, giá ngọn su su dao động trong khoảng từ 15.000 - 20.000đ/kg. Nếu so sánh thì su su Sa Pa luôn được bán với giá cao hơn so với các vùng trồng khác. Nguyên do là sau nhiều thời điểm giá quả su su bấp bênh, ngành chức năng địa phương đã vào cuộc tìm giải pháp giúp người trồng nâng giá trị; trong đó chú trọng liên kết "4 nhà" xây dựng và quảng bá thương hiệu su su Sa Pa.

Ðể giữ thương hiệu su su Sa Pa, Phòng kinh tế thị xã Sa Pa và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Hợp tác xã Hoa Ðào thường xuyên tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất rau sạch - an toàn cho xã viên, trồng bằng giống nguyên chủng, bón phân hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học và không dùng thuốc trừ sâu.

Quả su su được thu hái đúng cách, không làm trầy xước bầm giập, sau đó được Hợp tác xã khử khuẩn bằng nước ô-zôn và chiếu tia cực tím, rồi đóng gói có dán nhãn xuất xứ, mã vạch trước khi lên xe ô-tô chở về các siêu thị và chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh để cung cấp cho người tiêu dùng. Thị xã Sa Pa còn có chính sách hỗ trợ vốn vay cho nông dân để mua vật tư làm giàn bằng cọc bê-tông và dây thép bền chắc, dùng được nhiều năm, giảm chi phí làm giàn bằng gỗ và tre trúc, bảo vệ rừng tự nhiên.

Nhờ sự tin cậy của người tiêu dùng và hoạch định chính xác của ngành nông nghiệp địa phương, su su Sa Pa chính thức có nhãn hiệu vào năm 2016 và đến năm 2019 được Lào Cai công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) hạng 3 sao, góp phần nâng giá trị sản phẩm quả su su vốn bấp bênh trước đó.

Hiện nay, vùng trồng su su Sa Pa không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động người địa phương. Khu vực Ô Quý Hồ có khoảng 130 hộ dân trồng su su, hầu hết đã thoát nghèo, hàng chục hộ trở thành triệu phú nhờ trồng su su.

Cũng theo ông Vũ Xuân Quý, năm nay dự kiến, Sa Pa cung cấp 4.000 tấn quả su su ra thị trường. Ngành nông nghiệp thị xã đang tích cực tuyên truyền, quảng bá thương hiệu quả su su Sa Pa để nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người dân tăng thu nhập và làm giàu.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm