Nâng cao chất lượng thông tin và biên dịch Báo ảnh Dân tộc và Miền núi khu vực Tây Nguyên

Nâng cao chất lượng thông tin và biên dịch Báo ảnh Dân tộc và Miền núi khu vực Tây Nguyên
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Theo bà Trần Thị Khánh Vân, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, tháng 1/1991, Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi số đầu tiên ra đời. Đây là tờ báo có nội dung chuyên biệt về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được cấp phát tới các cơ quan làm công tác dân tộc, trưởng thôn, trưởng bản, trường học, đồn biên phòng… Đến nay, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi đã xuất bản 11 ấn phẩm song ngữ: Việt – Khmer, Việt – Bahnar, Việt – Jrai, Việt – Ê đê, Việt – Chăm, Việt – Mông, Việt – K’Ho, Việt – M’Nông, Việt – Tày, Việt – Xê đăng và Việt – Cơ tu với tổng số phát hành 68.000 cuốn/tháng. Riêng 5 tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương khác ở khu vực Nam Trung Bộ, Báo đang xuất bản 7 ấn phẩm song ngữ, số lượng phát hành trên 22.000 cuốn/tháng, đã xuất bản hơn 1,3 triệu cuốn từ năm 2012 đến nay.
 
Thông tin trên Báo ảnh Dân tộc và Miền núi không chỉ đảm bảo tính chính xác mà còn mang tính định hướng cao, góp phần truyền tải các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tới đồng bào dân tộc thiểu số; qua đó góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn còn nhiều khó khăn, nhất là trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở những vùng đặc thù.

Tại hội nghị, đại diện các báo, ban, ngành 5 tỉnh Tây Nguyên và đội ngũ cơ quan thường trú, cộng tác viên đã đóng góp nhiều ý kiến về nội dung, hình thức của Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, việc phối hợp thông tin, công tác biên dịch và giới thiệu những cách làm hay về tiếp nhận, bảo quản, sử dụng ấn phẩm Báo ảnh Dân tộc và Miền núi. 

Đại biểu tham dự Hội nghị phát biểu. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Đại biểu tham dự Hội nghị phát biểu. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Các đại biểu đánh giá cao vai trò, chức năng tuyên truyền của Báo ảnh Dân tộc và Miền núi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đại diện các ngành, lãnh đạo báo, các địa phương vùng Tây Nguyên đã đề nghị Báo tăng cường lượng thông tin theo sát các dân tộc, các vùng miền; tăng số lượng phát hành Báo để tăng tính lan tỏa và hiệu quả thông tin; tổ chức những buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương, Ban dân tộc để đánh giá hiệu quả thông tin, lượng phát hành, tìm hiểu sâu phong tục tập quán, văn hóa vùng miền để có sự chỉ đạo sát sao hơn. Đội ngũ biên dịch thuật, cộng tác viên cũng đề nghị Báo tăng cường thông tin về mục văn hóa như phong tục tập quán, cồng chiêng, thổ cẩm và thông tin về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam, ông Ngô Anh Văn - Giám đốc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên nhấn mạnh, việc phát hành các ấn phẩm song ngữ đã được Thông tấn xã Việt Nam chỉ đạo và nghiên cứu sát với từng nhóm đối tượng. Nội dung và hình thức các ấn phẩm được xây dựng, thiết kế phù hợp với đồng bào các dân tộc thiểu số, có tính đến các yếu tố vùng miền, địa bàn cư trú và trình độ phát triển. Việc xuất bản Báo ảnh Dân tộc và Miền núi còn được đánh giá cao trong công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của cộng đồng các dân tộc thiểu số, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, qua đó thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Về định hướng của Báo trong thời gian tới, bà Trần Thị Khánh Vân cam kết Báo sẽ nỗ lực làm cầu nối thông tin, kết nối các nguồn lực, khơi dậy tiềm năng vì sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đại diện Báo cũng mong tiếp tục nhận được sự cộng tác, hỗ trợ tích cực của đội ngũ cộng tác viên, các đơn vị đối tác, cơ quan thường trú, chuyên gia người dân tộc khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là thông tin về ảnh.
Hoài Thu
TTXVN

Có thể bạn quan tâm