Ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế:

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành dệt may

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành dệt may
Chưa đáp ứng nhu cầu
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dệt may không chỉ đóng vai trò là ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam mà còn là một trong những ngành tạo ra nhiều công ăn việc làm với khoảng 2,5 triệu lao động.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN 

Tuy nhiên, phần lớn số lao động trong ngành dệt may hiện nay là lao động phổ thông, thực hiện các công đoạn gia công sản phẩm, còn các khâu yêu cầu có trình độ kỹ thuật như nhuộm, hoàn thiện vải hay thiết kế sản phẩm đang thiếu và yếu.
 
Theo ông Phạm Xuân Hồng, việc thiếu nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngành sản xuất nguyên phụ liệu may mặc của Việt Nam khó phát triển và phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

Thêm vào đó, các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao như: thiết kế thời trang, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng rất hạn chế. Mặc dù Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhưng chưa có thương hiệu thời trang nào thuần Việt được người tiêu dùng thế giới biết đến.
 
Tiến sĩ Phạm Xuân Thu, Giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại Thành phố Hồ Chí Minh phân tích thêm, trong tổng số hơn 6.000 doanh nghiệp ngành dệt may ở Việt Nam, số doanh nghiệp ở lĩnh vực dệt (bao gồm dệt, nhuộm, in, hoàn tất) chỉ chiếm hơn khoảng 30%, số còn lại chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực may gia công sản phẩm theo đơn của các thương hiệu thời trang nước ngoài.

Chỉ có một số ít các doanh nghiệp có thể đầu tư tạo ra sản phẩm dệt may hoàn thiện, bao gồm cả sản xuất vải, thiết kế mẫu và cắt may. Trong đó, đối với các quy trình nhuộm, hoàn thiện vải và thiết kế mẫu sản phẩm vẫn phải thuê chuyên gia, kỹ thuật viên người nước ngoài với chi phí rất cao. Điều này làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp nước ngoài.
 
Các chuyên gia cho rằng, việc thiếu hụt lao động chất lượng trong ngành dệt may xuất phát từ thực tế đào tạo nhân lực. Cả nước hiện có 19 trường Cao đẳng, 19 trường Đại học và 3 Viện có chương trình đào tạo liên quan chuyên ngành công nghệ dệt, may hoặc thiết kế thời trang.

Trong đó, ngoại trừ các trường chính quy thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam có số lượng tuyển sinh khoảng 3.000 chỉ tiêu (bậc Cao đẳng), còn lại các cơ sở đào tạo khác chỉ tuyển 20 - 30 chỉ tiêu/năm.

Số lao động được đào tạo trong các cơ sở này chỉ mới đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu nhân lực của toàn ngành. Trong khi đó, khuynh hướng hiện nay của các doanh nghiệp là ưu tiên thu hút lao động có tay nghề chứ không đầu tư cho các hoạt động đào tạo.
 
Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, để có thể duy trì sự phát triển cũng như tham gia vào chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
 
Tiến sĩ Phạm Xuân Thu nhận định, ngành dệt may Việt Nam đã phát triển đến quy mô nhất định nên trong thời gian tới cần có sự chuyển đổi về chất, tức là phải chuyển sang giai đoạn tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Để làm được điều đó, ngành dệt may phải tái cơ cấu và phân bố lại sản xuất gắn với việc tái cấu trúc lại lực lượng lao động theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chỉ có khi chất lượng lao động được tăng lên thì doanh nghiệp mới có thể khai thác tốt các nguồn nguyên liệu, tăng năng suất lao động và năng lực quản lý để tăng khả năng cạnh tranh.
Công nhân thực hiện công đoạn may áo sơ mi tại nhà máy của Tổng công ty cổ phần may Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Công nhân thực hiện công đoạn may áo sơ mi tại nhà máy của Tổng công ty cổ phần may Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu - TTXVN  
 
Cụ thể, doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn cho việc đào tạo nguồn nhân lực, chủ động tuyển dụng và có trách nhiệm đào tạo chuyên sâu với những nhân viên cam kết gắn bó lâu dài. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích người lao động chủ động nâng cao trình độ, tay nghề bằng chế độ lương, thưởng phù hợp.
 
Một trong những thách thức đối với các doanh nghiệp dệt may hiện nay là hiện tượng nhảy việc của những nhân sự có tay nghề và kinh nghiệm.

Vì vậy, muốn giữ chân người lao động, ngoài mức tiền lương tương xứng, doanh nghiệp cần áp dụng các phương thức quản trị hiệu quả như: tạo điều kiện để người lao động phát huy năng lực, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, quan tâm tới các nhu cầu tinh thần…
 
Ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, bên cạnh trách nhiệm của các doanh nghiệp, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ sở đào tạo.
 
Trong đó, Nhà nước cần quy hoạch hệ thống cơ sở đào tạo ngành dệt may tương xứng với quy mô và nhu cầu thực tế của ngành.

Đặc biệt, phát triển đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp ở ngành dệt để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành sản xuất nguyên phụ liệu trong nước; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo lao động,
 
Về phía các cơ sở đào tạo, ngoài việc mở rộng quy mô tuyển sinh, cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nhằm xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, phải làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp, xác định đúng tầm quan trọng và khả năng tìm được việc của học viên, sinh viên ngành dệt may để tránh tình trạng người học đổ xô vào các ngành nghề không có nhu cầu, trong khi ngành có tiềm năng phát triển lại không tuyển dụng được lao động./.
 Xuân Anh
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm