Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển - Bài 3

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển - Bài 3
Bài 3: Nỗ lực nâng chất lượng đào tạo đại học 
Trung tâm đào tạo đại học của cả nước
Cùng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, nơi hội tụ nhiều nhân tài của đất nước. Thành phố có điều kiện chăm lo hơn đến cơ sở vật chất phục vụ phát triển đội ngũ chuyên gia, giảng viên và các nhà nghiên cứu, thu hút nhiều sáng kiến đổi mới giáo dục.
Khách tham quan mô hình cầu RED STAR của Trường Đại học Giao thông vận tải - Phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Khách tham quan mô hình cầu RED STAR của Trường Đại học Giao thông vận tải - Phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, thành phố có thể trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế nếu các cơ sở đào tạo cùng chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa theo hướng quốc tế hóa và hiện đại hóa.
 
Trên địa bàn Thành phố có 54 trường đại học, học viện với khoảng 500.000 sinh viên đang theo học. Hàng năm tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt khoảng 80%; đồng thời tập trung đội ngũ giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đây là nguồn lực rất lớn mà thành phố đặc biệt quan tâm phát huy.
 
Thành phố có 34 trường đại học được đánh giá theo tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 117 chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế, 163 chương trình đào tạo đại học, sau đại học liên kết với các quốc gia hàng đầu thế giới.
 
Thành phố có 31/54 trường đại học trên địa bàn thực hiện chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, với 171 chương trình, phần lớn được tổ chức giảng dạy toàn phần hoặc một phần bằng ngoại ngữ. Trong đó có hơn 5.000 sinh viên trong nước và hơn 2.000 sinh viên quốc tế theo học các chương trình quốc tế, hơn 1.500 lượt giảng viên quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu, giao lưu, học tập.

Ngoài ra, các trường đại học, học viện trong 3 năm gần đây đã có gần 900 hoạt động ký kết hợp tác với các tổ chức quốc tế để trao đổi giảng viên, sinh viên, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, giao lưu văn hóa.
 
Để phát huy nguồn lực từ các viện, trường, UBND thành phố đã thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố gồm các khối ngành, sư phạm, sức khỏe, kỹ thuật, công nghệ, văn hóa - nghệ thuật, du lịch, xã hội và nhân văn, kinh tế, chính trị - pháp luật. Hội đồng nhằm trao đổi chuyên môn, học thuật, kinh nghiệm quản trị nhà trường, nâng cao hiệu quả đào tạo. Hội đồng hiệu trưởng đã phát huy tốt vai trò tham vấn đối với các chương trình hành động của thành phố và những vấn đề cấp thiết của đời sống xã hội.
 
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc phát huy sức mạnh của ngành giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng để đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực trình độ quốc tế là nhiệm vụ rất quan trọng của thành phố. Trong thời đại hiện nay, hệ thống giáo dục phải tập trung vào phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Điều này cần được áp dụng ở tất cả cấp học, bậc học, trình độ đào tạo. Đặc biệt, đối với các trường đại học, thành công của một trường đại học không chỉ đơn thuần là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên hay vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế mà còn là sự phát triển bền vững và lâu dài của sinh viên trong môi trường hội nhập, quốc tế hóa.
 
Từ thực tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để phát triển nền kinh tế tri thức cần coi nhân lực là điểm tựa, khoa học công nghệ là đòn bẩy. Với quan điểm, giáo dục theo định hướng thị trường, trong đó các bên liên quan đều là khách hàng, thành phố sử dụng nhân lực thì nên có cơ chế toàn diện để "đặt hàng" đơn vị đào tạo. Ngoài ra cần mạnh dạn nghiên cứu xây dựng trung tâm cải tiến phương pháp và công nghệ giảng dạy, xây dựng mô hình đại học dựa trên nền tảng công nghệ để có những tài liệu hỗ trợ sự phát triển chung.
 
Chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Theo các chuyên, với nhiều lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng nhưng thành phố lại khó khăn trong việc phát huy đội ngũ này. Thành phố có tiềm năng lớn để đào tạo nhân lực chất lượng mang tầm quốc tế nhưng nhân lực vẫn còn hạn chế trong các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tác phong làm việc. Một trong những nguyên nhân là do còn thiếu khả năng dự báo và quy hoạch nhân lực. Mặt khác, sự gắn kết giữa doanh nghiệp - nhà trường trong đào tạo chưa chặt chẽ dẫn đến có độ “chênh” giữa sản phẩm đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động.
 
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa chất lượng lao động của Việt Nam nói chung, thành phố nói riêng với chuẩn khu vực và quốc tế. Mặt khác, sự gắn kết giữa trường đại học và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, chưa có Hiệp hội nghề nghiệp mạnh để tham gia vào quá trình hợp tác, hỗ trợ đào tạo. Muốn đáp ứng yêu cầu hội nhập, đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải tích cực, chủ động trong việc xây dựng mạng lưới đối tác.
 
Thực tế, đào tạo nhân lực bậc đại học chưa đủ để đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ quốc tế ở nhiều lĩnh vực. Đơn cử, theo Sở Du lịch thành phố, ở lĩnh vực du lịch, lực lượng lao động trình độ quốc tế chủ yếu là đội ngũ quản lý điều hành trong công ty liên doanh, doanh nghiệp nhà nước và khách sạn 4-5 sao.

Tỷ lệ lao động có trình độ quốc tế trên bình diện chung còn rất thấp, cụ thể năm 2019, thành phố có khoảng 3.000 nhân lực trình độ quốc tế trong tổng số 150.000 nhân lực của ngành du lịch thành phố, dự báo đến 2030 ngành cần thêm 3.000 lao động có trình độ quốc tế.

Dẫn đến hạn chế này là do thành phố chưa có cơ sở đào tạo đạt chuẩn quốc tế về du lịch; chưa triển khai bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia đáp ứng tiêu chuẩn nghề ASEAN theo yêu cầu Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong khối ASEAN; liên kết hợp tác quốc tế trong đào tạo du lịch còn yếu.
 
Trong bối cảnh hội nhập và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghệ hay công nghệ thông tin là xu hướng tất yếu ở giai đoạn hiện nay. Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. Thế nhưng, nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam nói chung, thành phố nói riêng được đánh giá là thiếu và yếu.

Kế hoạch nhân lực quốc gia đến năm 2020, Việt Nam cần 1 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên với khoảng 130 trường đại học, hơn 200 trường cao đẳng đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ mỗi năm, cả nước cũng chỉ đào tạo được khoảng 60.000 nhân lực. Trong khi ước tính cả nước có nhu cầu gần 80.000 nhân lực mỗi năm.
 
Không chỉ thiếu về lượng mà lao động trong ngành này còn yếu về chất, thiếu năng lực thực hành chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng ngoại ngữ. Ví dụ cụ thể, Sao Bắc Đẩu đang rất cần nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, blockchain, điện toán đám mây hay internet of thing, big data… nhưng hầu như các trường đại học vẫn chưa kịp thời cập nhật kiến thức cho sinh viên. Bắt buộc doanh nghiệp phải bắt tay vào đào tạo trong quá trình làm việc.
 
Còn theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food, nếu đặt tiêu chuẩn trình độ quốc tế cho ứng viên khi tuyển dụng, công ty sẽ không có đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Hiện công ty có hơn 2.500 lao động nhưng chưa đến 30% trong số đó đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
 
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố, năm 2019, thành phố có nhu cầu tuyển dụng 320.000 vị trí việc làm, trong đó nhu cầu về nhân lực qua đào tạo chiếm phần lớn với gần 80%, trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 20%.
 
Mỗi năm, trung bình các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn cung cấp ứng cho thành phố trên 300.000 lao động, gần tương đương với nguồn cầu. Tuy nhiên, chỉ khoảng 80% sinh viên ra trường có việc làm ngay, trong đó 50% là làm những công việc trái chuyên ngành, không phù hợp và thiếu hiệu quả.

Nghịch lý hiện tại của thị trường lao động thành phố là dư thừa lao động phổ thông nhưng thiếu nhân lực trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều đánh giá, lao động có sự thiếu hụt kỹ năng phản biện, tư duy sáng tạo khiến lao động kém cạnh tranh so với các nước./.
 Thu Hoài
  Bài cuối: Để có nhân lực trình độ cao
TTXVN

Có thể bạn quan tâm