Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non

Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non

Sáng 30/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo "Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú và công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non". Tham dự hội thảo có đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, đại diện cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non ảnh 1Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh và các trẻ em trường Mầm non Tuổi Ngọc, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: Lê Xuân - TTXVN

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ giáo dục mầm non cả nước đã có những bước tiến đáng kể. Nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước ra đời đã làm thay đổi diện mạo giáo dục mầm non. Quy mô mạng lưới trường lớp không ngừng phát triển, tỷ lệ trẻ đến trường tăng lên theo từng năm học. Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày một nâng cao.

Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng có những chuyển biến tích cực. Nếu không có sự phối hợp gia đình, cộng đồng, các cở sở giáo dục mầm non sẽ không hoàn thành được mục tiêu giáo dục đã đề ra.

Các cơ sở giáo dục mầm non đã thực hiện tốt việc tổ chức bữa ăn cho trẻ tại trường đảm bảo đủ dinh dưỡng , đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng bữa ăn được liên ngành thực hiện thường xuyên, huy động sự tham gia của phụ huynh. Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Chính phủ đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức bán trú và phối hợp giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo được ăn bán trú ở một số địa phương còn thấp so với toàn quốc. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức bán trú còn nhiều hạn chế. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em mầm non ở một số nơi chưa đạt yêu cầu: chưa có kiến thức về dinh dưỡng, sức khỏe; chưa chú trọng việc lồng ghép giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe cho trẻ trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ hàng ngày… Công tác tuyên truyền phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội ở một số nơi chưa đạt kết quả cao, chưa thường xuyên.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, hội thảo lần này là cơ hội để các đại biểu tập trung thảo luận về biện pháp khắc phục khó khăn, tổ chức ăn bán trú cho trẻ bằng nhiều hình thức; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác triển khai, nâng cao chất lượng bữa ăn của trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Bên cạnh đó, hội thảo thảo luận về việc xây dựng mô hình phối hợp gia đình, nhà trường cộng đồng tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), năm học 2019-2020, toàn quốc có hơn 851 nghìn trẻ nhà trẻ, đạt 97,4%, hơn 4 triệu trẻ mẫu giáo, đạt 92,1% được ăn bán trú. Các cơ sở giáo dục mầm non đã thực hiện tốt việc tổ chức bữa ăn cho trẻ tại trường đảm bảo đủ dinh dưỡng theo nhu cầu khuyến nghị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng bữa ăn ngày một nâng cao. Nhờ được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt tại trường, lớp mầm non, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (nhẹ cân và thấp còi) đã giảm đáng kể so với đầu năm học và so với cùng kỳ năm học trước.

Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ mẫu giáo được ăn bán trú ở 1 số địa phương còn thấp so với toàn quốc (Trà Vinh 34,3%; An Giang 34,3 %; Sóc Trăng 43,7%, Hà Giang 59%…), ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và sự tăng trưởng, sức khỏe của trẻ. Bên cạnh đó, có sự chệnh lệch về chất lượng bữa ăn của trẻ giữa các vùng (vùng khó khăn – vùng thuận lợi). Vì vậy, tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi ở một số tỉnh còn cao so với toàn quốc (Yên Bái thấp còi 5,7%; Lai Châu nhẹ cân 7,3%, thấp còi 9%; Quảng Nam nhẹ cân 8,2%, thấp còi 8,5%; Kon Tum nhẹ cân 6,1%, thấp còi 8,2%). Tỷ lệ trẻ mẫu giáo thừa cân béo phì ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển còn cao so với tỷ lệ chung toàn quốc (Bà Rịa Vũng Tàu 22,5%; Bình Dương 13,9%; Thành phố Hồ Chí Minh 10,8%...).

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát hệ thống văn bản hướng dẫn về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tổ chức bán trú tại cơ sở giáo dục mầm non để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và từng vùng, miền. Bên cạnh đó, Bộ đề xuất xây dựng Chuyên đề về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em Việt Nam.

Các cơ sở giáo dục mầm non cũng cần làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng trong việc thực hiện có hiệu quả hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục toàn diện, lấy trẻ làm trung tâm.

Việt Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm