Nan giải bài toán phá rừng làm nương rẫy tại Gia Lai

Nan giải bài toán phá rừng làm nương rẫy tại Gia Lai
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường một vụ phá rừng tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai được phát hiện giữa tháng 3/2019. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường một vụ phá rừng tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai được phát hiện giữa tháng 3/2019. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Cuối tháng 2 vừa qua, Đội Kiểm lâm đặc nhiệm Cục Kiểm lâm phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, Hạt Kiểm lâm Chư Prông, UBND xã Ia Mơ và Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur kiểm tra tại một số khu vực trên địa bàn xã Ia Mơ, phát hiện 7 vị trí rừng bị chặt hạ với tổng diện tích hơn 7,3 ha. Trong đó, có 5 vị trí thuộc lâm phần do UBND xã Ia Mơ quản lý (hơn 6,6 ha) và 2 vị trí thuộc lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur quản lý (hơn 0,7 ha).

Sau đó, lực lượng chức năng đã bắt giữ hai đối tượng Kpăh Hloi và Siu Biên (cùng trú tại xã Ia Biơr, huyện Chư Prông). Bước đầu, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phá rừng làm nương rẫy. Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông cũng đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Viện kiểm sát để truy tố và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Rơ Lan Chim, Chủ tịch UBND xã Ia Mơ cho biết, nguyên nhân của vụ việc do một số hộ dân nhận thức sai việc chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng của công trình thủy lợi Ia Mơ, nên đã phá rừng làm nương rẫy để sau này sẽ nhận tiền đền bù khi khu tưới của thủy lợi Ia Mơ đi vào hoạt động. Các đối tượng lợi dụng ban đêm để lén lút phát dọn, cơi nới mở rộng diện tích nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, gây khó khăn trong việc ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Hiện trường một vụ phá rừng tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai được phát hiện giữa tháng 3/2019. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Hiện trường một vụ phá rừng tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai được phát hiện giữa tháng 3/2019. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Bên cạnh đó, lực lượng mỏng cũng là một trong những lý do khiến việc quản lý, bảo vệ rừng tại xã biên giới Ia Mơ gặp nhiều khó khăn. Theo ông Rơ Lan Chim, tổng diện tích của xã là 43.000 ha; trong đó có 17.000 ha rừng và chỉ có khoảng 20 cán bộ kiểm lâm làm việc theo diện hợp đồng với UBND xã. Đáng lưu ý, đây là địa phương tiếp giáp với nhiều xã, đồng thời có chung đường biên giới với nước bạn Campuchia, nên việc người dân ở cả trên địa bàn xã và các địa phương lân cận đến phá rừng làm khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát.

“Vừa qua, UBND xã đã thành lập 5 chốt bảo vệ rừng với 35 cán bộ bảo vệ rừng theo diện hợp đồng với xã. Tuy nhiên, vì lý do áp lực và khối lượng công việc lớn; đồng thời bà con rất manh động vào gây sự với cán bộ các chốt, thậm chí là đánh đập nên đến nay chỉ còn lại khoảng 20 người. Trong khi đó, nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế nên chưa nhận thức được hậu quả của việc phá rừng làm nương rẫy”, ông Rơ Lan Chim cho biết thêm.

Mới đây, UBND huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện phối hợp cùng Công an huyện và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kông Chiêng (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) kiểm tra tại khu vực thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kông Chiêng quản lý. Kết quả đo đạc xác định, có gần 0,6 ha rừng bị lấn chiếm tại hai vị trí khác nhau với gần 80 cây gỗ các loại bị chặt hạ, đốt để lấy tro trồng cây.

Ông Văn Hải Hội, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kông Chiêng chia sẻ, tập tục của người dân đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương là vào đầu mùa khô, tức khoảng sau Tết Nguyên đán sẽ tiến hành phá rừng để chuẩn bị phục vụ cho mùa làm nương rẫy vào mùa mưa kế tiếp.

Hiện trường một vụ phá rừng tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai được phát hiện giữa tháng 3/2019. Ảnh: Dư Toán - TTXVN
Hiện trường một vụ phá rừng tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai được phát hiện giữa tháng 3/2019. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Đa phần loại cây mà người dân trồng là các cây nông nghiệp ngắn ngày, phục vụ nhu cầu trước mắt như lúa, sắn (mì), ngô (bắp),… Nắm bắt được vấn đề đó, đơn vị đã thường xuyên tuần tra, kiểm soát. Cùng với việc vận động, tuyên truyền, đơn vị cũng xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm để làm gương, răn đe các đối tượng có ý định chặt phá rừng. Tuy nhiên, do nhận thức còn nhiều hạn chế và ảnh hưởng từ tập quán du canh du cư lâu đời, cũng như các đối tượng lợi dụng đêm tối để chặt phá rừng, nên công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn nhiều khó khăn.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng loạt vụ phá rừng làm nương rẫy được báo chí phản ánh và lực lượng chức năng phát hiện trong giai đoạn cuối năm 2018, đầu năm 2019. Ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai phân tích, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn tỉnh; trong đó nhấn mạnh vào tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số và những khó khăn về đời sống, kinh tế, xã hội của người dân trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Nhĩ, đa số những người phá rừng làm nương rẫy không có công ăn việc làm thường xuyên, phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ, chủ yếu là vào mùa mưa. Việc sản xuất nông nghiệp của họ khá thô sơ, kỹ thuật canh tác thấp, nên hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập cũng theo mùa và khá thấp, không ổn định nên không đủ chi phí sinh hoạt. Chính điều đó khiến họ đi phá rừng để lấy thêm đất sản xuất.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, phong tục tập quán của người dân bản địa là khi con cái lớn, lập gia đình và tách hộ sẽ đi cùng với đất sản xuất, như một dạng tài sản cha mẹ để lại cho con cái. Những gia đình không đủ đất hoặc sau khi chia lại cho con dẫn đến thiếu đất sản xuất sẽ tiếp tục lên rừng để phá rừng, lấy đất sản xuất. Bên cạnh đó, một số đối tượng cũng có nhu cầu mua bán đất cho người khác để lấy tiền trang trải chi phí sinh hoạt, sau đó lại tiếp tục phá rừng làm rẫy.

Một lý do khác khiến quản lý và bảo vệ rừng tại Gia Lai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đó là về nhân lực. Theo quy định, mỗi một kiểm lâm viên địa bàn sẽ quản lý nhiều nhất 1.000 ha rừng, thế nhưng tại Gia Lai, con số này là 3.600 ha/cán bộ kiểm lâm.

Cá biệt, tại xã Ia Tul, huyện Ia Pa, chỉ có 2 kiểm lâm viên địa bàn để quản lý và bảo vệ 24.000 ha rừng; trong đó, nếu giao về cho các địa phương thì các xã không phải là đơn vị chuyên trách trong vấn đề bảo vệ rừng nên cần phải có kinh phí. Ngoài ra, do không phải là những cán bộ kiểm lâm được qua đào tạo nên tính kịp thời và cơ động không cao, ở cùng địa phương sẽ dễ xảy ra tình trạng ngại va chạm với những người dân bản địa đi phá rừng làm nương rẫy.

Ông Nguyễn Nhĩ nhấn mạnh: Về cơ bản, lực lượng sẽ vẫn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đi phá rừng làm nương rẫy, đồng thời thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát để phát hiện sớm các vụ phá rừng. Tuy nhiên, muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này, chúng ta cần phải nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương. Quan trọng hơn, cần phải tạo công ăn việc làm ổn định, tăng năng suất lao động, sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập. Tuy nhiên, muốn làm được việc này, cần có nhiều thời gian, những chính sách phù hợp cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị./.

Dư Toán

Có thể bạn quan tâm