Nan giải bài toán kế hoạch hóa gia đình ở vùng cao Điện Biên

Nan giải bài toán kế hoạch hóa gia đình ở vùng cao Điện Biên
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, có địa hình chia cắt, hạ tầng giao thông chưa phát triển. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện và 130 đơn vị hành chính cấp xã, với hơn 55.000 dân thuộc 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%. Với những đặc thù của tỉnh miền núi, việc thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình ở đây gặp không ít khó khăn, vướng mắc. 

Nhiều đứa trẻ ở gia đình đông con ở vùng cao không được chăm lo đầy đủ về cả tinh thần lẫn vật chất, chất lượng cuộc sống thấp. Ảnh: Văn Dũng -TTXVN
Nhiều đứa trẻ ở gia đình đông con ở vùng cao không được chăm lo đầy đủ về cả tinh thần lẫn vật chất, chất lượng cuộc sống thấp. Ảnh: Văn Dũng -TTXVN

Gia đình chị Hồ Thị Rùa (40 tuổi) sống ở bản Huổi Tóng 1, xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) thuộc hộ nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào cây lúa, cây ngô. Chị có 5 người con, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. "Do không có con trai nên mới đẻ nhiều, nếu có con trai thì chỉ đẻ hai con. Cán bộ có đến vận động, chị cũng nghe nhưng rồi vẫn cứ đẻ", chị Rùa tâm sự.

Mường Chà là huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao so với các địa phương khác trong tỉnh, chiếm 26,4% dân số, chênh lệch giới tính lớn 113 trẻ trai/100 trẻ gái. Đặc thù huyện miền núi nghèo, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở đây gặp không ít vướng mắc.

Chị Đoàn Thị Huệ, cán bộ dân số xã Huổi Lèng đã có 5 năm làm việc, phụ trách công tác kế hoạch hóa gia đình 7 bản của xã. Hàng tuần, chị đều xuống địa bàn để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, hạn chế sinh con thứ 3, tuy đã cố gắng thuyết phục, giải thích, nhưng nhiều trường hợp vẫn tiếp tục sinh con. Chị Huệ chia sẻ: Do địa bàn vùng cao, địa hình chia cắt nên công tác tuyên truyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do bất đồng ngôn ngữ và nhận thức của bà con về công tác kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế, việc vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu không đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, với phong tục tập quán, quan niệm của người dân về việc sinh con trai để thờ cúng, giúp gia đình làm việc hay để nối dõi tông đường nên có trường hợp đã sinh 4-5 con gái, nhưng vẫn cố sinh bằng được con trai.

Ông Giàng Chứ Di, Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, cho biết: Xã có 2 bản tỷ lệ sinh con thứ 3 cao là Ca Dí Nhè và Nậm Chua. Chính quyền xã cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, hạn chế sinh con thứ ba. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện vẫn chưa cao, nguyên nhân do nhận thức của người dân còn thấp, phong tục lạc hậu. Một số gia đình thích đông con, không nhận thức được sinh nhiều con sẽ tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình. Đa số những hộ gia đình đông con đều thuộc hộ nghèo, xã phải lập danh sách để Nhà nước hỗ trợ thiếu đói.

Trẻ em bị khuyến tật trong gia đình đông con ở xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN
Trẻ em bị khuyến tật trong gia đình đông con ở xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Điện Biên, những nơi có tỷ lệ sinh con cao tập trung vào những huyện nghèo, khó khăn, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, các huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao như Nậm Pồ 36,69%, Mường Chà 26,4%, Mường Nhé 22,3%.

Bà Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay, cả nước đang chuyển trọng tâm từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, nhưng tỉnh Điện Biên vẫn trong thực trạng tỷ suất sinh còn rất cao. Số con trung bình của một phụ nữ đang ở ngưỡng 2,69 con/người, trong khi đó toàn quốc đã đạt được mức sinh thay thế là 2,1 con. Như vậy, để đạt được mức sinh thay thế, tỉnh Điện Biên phải mất một khoảng thời gian khá dài. Các tỉnh miền xuôi tỷ lệ sinh con thứ 3 chỉ 5 -7% nhưng ở Điện Biên tỷ lệ này ước tính khoảng 22,7%. Chất lượng dân số và điều kiện trước sinh, sơ sinh đang ở mức thấp. Hiện tại, khoảng hơn 10% phụ nữ trong thời gian mang thai được sàng lọc trước khi sinh theo đúng quy trình của Bộ Y tế, còn sàng lọc sơ sinh cũng chỉ khoảng 10-20%.

Theo bà Vũ Thị Thùy, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Điện Biên cao do trình độ nhận thức của người dân thấp, còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền vận động thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Bên cạnh đó, tiền thù lao trả cho cộng tác viên dân số thôn, bản còn thấp, công tác tuyên truyền, vận động không thường xuyên do không có kinh phí hoạt động.
       
Những năm qua, Chi cục cũng đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các hoạt động về dân số, tăng cường tuyên truyền, triển khai cung cấp gói dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh, sơ sinh; vận động lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến vùng đông dân có mức sinh cao và vùng khó khăn. Đặc biệt, công tác truyền thông được thực hiện rộng rãi từ tỉnh cho đến thôn bản, nhằm vận động, thuyết phục người dân hạn chế sinh con thứ 3 để nuôi dạy con tốt hơn…
         
Cán bộ dân số xã Huổi Lèng đến bản Huổi Tóng 1 để tuyên truyền, vận động chính sách kế hoạch hóa gia đình cho người dân. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN
Cán bộ dân số xã Huổi Lèng đến bản Huổi Tóng 1 để tuyên truyền, vận động chính sách kế hoạch hóa gia đình cho người dân. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

Công tác kế hoạch hóa gia đình ở tỉnh miền núi Điện Biên vẫn còn là chặng đường dài, để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 phải mất nhiều thời gian, công sức nhằm thay đổi nhận thức của người dân. Việc sinh nhiều con là tập quán, quan niệm của người dân vùng cao, nhưng là gánh nặng cho gia đình, xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, để thực hiện kế hoạch hóa gia đình hiệu quả, cần sự phối hợp tích cực hơn nữa giữa các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương, nhằm từng bước gỡ nút thắt dân số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
       
Văn Dũng

Có thể bạn quan tâm