Năm học 2022-2023: Lễ khai giảng vui tươi gắn với an toàn phòng, chống dịch COVID-19

Học sinh Trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú N'Trang Lơng, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk háo hức trong Lễ Khai giảng năm học mới. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Học sinh Trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú N'Trang Lơng, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk háo hức trong Lễ Khai giảng năm học mới. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Sáng 5/9, học sinh các cấp trên khắp mọi miền đất nước nô nức đến trường khai giảng năm học 2022-2023. Sau hai năm học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm học này các em học sinh đã được dự lễ khai giảng trực tiếp với niềm vui được gặp thầy cô, bạn bè. Các trường đã tổ chức lễ khai giảng trang trọng, ý nghĩa gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Năm học 2022-2023: Lễ khai giảng vui tươi gắn với an toàn phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1Lễ Chào cờ Khai giảng năm học 2022-2023 tại Trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú N'Trang Lơng, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Đắk Lắk

Năm học 2022-2023, tỉnh Đắk Lắk có hơn 450.000 học sinh ở các cấp học. Tại Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú N'Trang Lơng (thành phố Buôn Ma Thuột) ngay từ sáng sớm 5/9, hàng trăm học sinh với trang phục truyền thống của dân tộc đã có mặt để khai giảng năm học mới.

Háo hức trước năm học cuối cấp, em Lăng Thị Hải Yến (dân tộc Thái), học sinh lớp 12 chia sẻ, trong hai năm học lớp 10 và 11, em và các bạn cùng khóa vừa học tập vừa thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19 nên các hoạt động khai giảng năm học mới không thể diễn ra trọn vẹn, việc học trực tiếp cũng nhiều lần bị gián đoạn. Vì vậy, em rất vui mừng và hào hứng khi được trực tiếp tham dự lễ khai giảng năm học cuối cấp 2022 - 2023. Đây là lễ khai giảng rất ý nghĩa, vô cùng quan trọng đối với em và các bạn cùng khóa, hy vọng năm học mới sẽ thuận lợi, cùng nhau gặt hái được nhiều thành công.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa, lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 diễn ra ngắn gọn, ý nghĩa, tạo không khí phấn khởi cho thầy và trò. Để chuẩn bị cho năm học, ngành Giáo dục đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương xây mới, sửa chữa các phòng học đảm bảo phục vụ nhu cầu trong năm học mới với tổng số tiền đầu tư cơ sở vật chất là gần 400 tỷ đồng, mua sắm các trang thiết bị phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới với 99 tỷ đồng.

Kon Tum

Tỉnh Kon Tum có 166.080 trẻ em và học sinh bước vào năm học 2022 - 2023; trong đó có hơn 96.000 trẻ em, học sinh là người dân tộc thiểu số.

Năm học 2022-2023: Lễ khai giảng vui tươi gắn với an toàn phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 2 Học sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum tham gia Lễ Khai giảng năm học mới 2022-2023. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Bước vào năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã chủ động sắp xếp, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch bổ sung, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học với tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025.

Từ nguồn cung ứng dịch vụ môi trường rừng, ngành giáo dục đã trang bị vở cho hơn 75.000 học sinh; đồng thời vận động, kết nối các nhà tài trợ trao tặng 3.000 bộ sách giáo khoa, 20.000 quyển vở cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 200 triệu đồng cho các trường trên địa bàn các xã Mường Hoong, Ngọc Linh (huyện Đăk Glei).

Năm học 2022-2023: Lễ khai giảng vui tươi gắn với an toàn phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 3Học sinh Trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú N'Trang Lơng, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk háo hức trong Lễ Khai giảng năm học mới. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí hơn 450 triệu đồng để bổ sung cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Để năm học 2022-2023 đạt hiệu quả cao, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; triển khai hiệu quả lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên; rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Ngành giáo dục tham mưu UBND tỉnh các giải pháp ưu tiên củng cố, phát triển các trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Phổ thông Dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú, các cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Qua đó, xây dựng và phát triển có hiệu quả mô hình bán trú dân nuôi nhằm huy động có hiệu quả học sinh ra lớp, duy trì chuyên cần và nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.

Hậu Giang
Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Hậu Giang dự kiến huy động khoảng 155.855 học sinh các cấp đến trường.

Tại lễ khai giảng Trường Trung học Phổ thông Vị Thủy, huyện Vị Thủy, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đọc thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2022-2023. Bà Hồ Thu Ánh cho rằng, năm học qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải học trực tuyến trong thời gian khá dài nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh, giáo viên và học sinh Trường Trung học Phổ thông Vị Thủy đã hoàn thành năm học tốt đẹp, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nhà trường chú trọng xây dựng văn hóa học đường ngay từ những ngày đầu năm học; phối hợp tốt với phụ huynh để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, phối hợp đưa con em tiêm chủng đủ liều vaccine phòng COVID-19.

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang tiếp tục rà soát, sắp xếp, hoàn thiện mạng lưới trường, lớp học gắn với chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng cán bộ quản lý giáo dục các cấp và đội ngũ giáo viên theo chuẩn mới; tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên có phẩm chất chính trị tốt, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy. Đồng thời, ngành nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non; củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi; chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình y tế trường học trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh Hậu Giang có 319 trường thuộc các cấp học, trường đạt chuẩn quốc gia 82,44%. Năm học 2021-2022, toàn tỉnh huy động 159.631 học sinh đến trường, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 98,35%...

Bình Dương

Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Bình Dương, năm học 2022-2023, tỉnh có 742 trường học, tăng 11 trường. Toàn tỉnh dự kiến tăng thêm gần 30.000 học sinh các cấp học so với năm học 2021-2022. Năm học này, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ở khối lớp 3, 7 và lớp 10.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết, các trường tổ chức khai giảng gọn nhẹ, chú trọng công tác đón học sinh đầu cấp, tạo ấn tượng tốt, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Năm học này, ngành giáo dục thiếu gần 3.000 giáo viên; trong đó bậc Mầm non thiếu 465 giáo viên, bậc Tiểu học thiếu 1.207 giáo viên, Trung học cơ sở thiếu 1.305 giáo viên và bậc Trung học phổ thông thiếu 118 giáo viên. Bình Dương đang tiếp tục tuyển dục giáo viên, ký hợp đồng ngắn hạn và rà soát đưa viên chức sư phạm đang làm chuyên môn khác nếu đủ tiêu chuẩn sẽ cho đứng lớp để khắc phục khó khăn trên. Đặc biệt, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra, do đó công tác đảm bảo an toàn cho học sinh được ngành đặc biệt quan tâm.

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai đợt tiêm cao điểm cho giáo viên, học sinh trước và sau lễ khai giảng.

Long An

Sáng 5/9, gần 330.000 học sinh các cấp tại Long An bước vào năm học 2022-2023. Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được tham dự lễ khai giảng cùng 3.355 học sinh Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Thọ, huyện Bến Lức. Đây là trường có đông học sinh nhất tỉnh.

Năm học 2022 - 2023, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Thọ có 79 lớp (giảm 2 lớp so với năm học 2021-2022) với tổng số 3.355 học sinh, trong đó có 1.190 học sinh khối 10. Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Thọ Trần Thị Ngọc Hân cho biết, năm học mới nhà trường chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình thiên tai, dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, trường chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh; rèn luyện tư duy sáng tạo, tác phong công nghiệp; đồng thời phối hợp tốt 3 môi trường giáo dục nhà trường - gia đình - xã hội.

Tại lễ khai giảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh và Hội Khuyến học trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Thọ đã trao 41 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.

TTXVN

TTXVN

Có thể bạn quan tâm