Năm học 2019-2020: Thiếu giáo viên, hơn 12.000 trẻ mầm non ở Hà Tĩnh chưa được đến trường

Năm học 2019-2020: Thiếu giáo viên, hơn 12.000 trẻ mầm non ở Hà Tĩnh chưa được đến trường
Giờ học của các em học sinh trường Mầm non . Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Giờ học của các em học sinh trường Mầm non . Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Thành phố Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên thực hiện dừng tuyển sinh nhóm trẻ từ 24-36 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập. Đến nay, các huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều đang thực hiện theo phương án này. Nguyên nhân của việc dừng tuyển sinh nhóm lớp nhà trẻ từ 24 - 36 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập là do tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn nhiều năm nay. Bà Nguyễn Thị Hải Đường, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết: Ngoài việc ngừng tuyển sinh đối với gần 1.000 trẻ trong nhóm tuổi 24-36 tháng tuổi, với số lượng giáo viên hiện có, địa phương chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu đến lớp của 50% trẻ nhỏ nhóm lớp 3 tuổi. Khác với các trung tâm, đô thị lớn của Hà Tĩnh, hiện nay huyện Kỳ Anh chưa có bất kỳ cơ sở giáo dục mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập tự thục nào. Để đáp ứng nhu cầu đến lớp của các cháu trong độ tuổi đang là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục huyện nghèo Kỳ Anh. Việc hạ thấp quy mô tuyển sinh đối với bậc học mầm non ở Hà Tĩnh cũng đã gây nên tình trạng dư thừa, lãng phí số lượng lớn cơ sở vật chất, lớp học tại các trường mầm non công lập. Riêng tại huyện nghèo Kỳ Anh, năm học này có đến 81 phòng học tại các trường mầm non đủ điều kiện, nhưng vẫn bị bỏ trống do không được phép tuyển đủ học sinh trong độ tuổi. Cô Hoàng Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chia sẻ: Năm học 2019 – 2020, nhà trường thiếu 8 giáo viên nên chỉ được tuyển sinh 11/16 nhóm lớp. Không riêng nhóm trẻ 24-36 tháng tuổi, mà với các cháu thuộc nhóm lớp 3 tuổi, hiện nay nhà trường cũng mới chỉ đáp ứng được so với nhu cầu 50 em trên tổng số 146 em có nhu cầu đến trường. Vì vậy, trường Mầm non Kỳ Phong đang thừa 5 phòng học kiên cố. Theo đại diện phòng Giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh): Trên thực tế, số trẻ trong nhóm tuổi từ 24 - 36 tháng ở năm học này không tăng đột biến so với năm học trước. Tuy nhiên, trước đây để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu lớp học, ngành giáo dục đã bố trí tỷ lệ giáo viên đứng lớp thấp hơn so với quy định (1,75 giáo viên/lớp), do đó đã phần nào bù đắp được tình trạng thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Năm học 2019 -2020, thực hiện Quyết định 2714 ngày 12/8/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc điều chỉnh biên chế, công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2019, các trường mầm non công lập trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc định mức đảm bảo 2 giáo viên/lớp; đồng thời bố trí đủ giáo viên theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp, nên tình trạng thiếu hụt giáo viên đứng lớp gia tăng. Số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho thấy, đối chiếu với quy định mới được ban hành và số giáo viên thực tế hiện nay, nếu tuyển đủ số giáo viên mầm non được giao theo Nghị quyết 128/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh với định mức 2 giáo viên/lớp thì bậc mầm non toàn tỉnh có 4.885 giáo viên, tương đương việc sẽ tuyển sinh được 2.442 nhóm lớp, với tổng số 75.303 trẻ theo kế hoạch (trong đó có 71.628 trẻ mẫu giáo, 3.675 trẻ nhà trẻ). Song thực tế giáo viên bậc mầm non toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 4.514 người (thiếu 371 giáo viên), vì vậy theo kế hoạch tuyển sinh năm học này, gần 5.000 trẻ nhỏ trong độ tuổi sẽ không có cơ hội vào học tại các trường mầm non công lập. Tuy nhiên, kết quả khảo sát số trẻ trong độ tuổi hiện có ở Hà Tĩnh, năm học này sẽ có 12.672 trẻ nhỏ thuộc 490 nhóm lớp không được tuyển sinh vào các trường mầm non công lập trên địa bàn do thiếu giáo viên. Để giải quyết thực trạng thiếu hụt giáo viên mầm non tại các địa phương, một trong những giải pháp được UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra là đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa, phát triển các trường tư thục, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục. Tuy vậy, thực tế phát triển ngành Giáo dục, nhất là bậc học mầm non tại các địa phương, đặc biệt là các huyện nghèo chưa biết đến bao giờ sẽ có thêm các trường học, cơ sở giáo dục độc lập, tư thục, nếu có thì vấn đề học phí cũng sẽ là gánh nặng đối với phụ huynh.
Hoàng Ngà

Có thể bạn quan tâm