Mỹ: Gần 1/3 số vụ trẻ em bị bỏng nước sôi là do mì ăn liền

Mỹ: Gần 1/3 số vụ trẻ em bị bỏng nước sôi là do mì ăn liền

Phóng viên TTXVN tại Washington ngày 12/2 dẫn kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học Chicago cho biết, gần 1/3 số vụ trẻ em bị bỏng nước sôi ở Mỹ là do mì ăn liền.

Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí “Bỏng”, nhóm nghiên cứu thuộc trung tâm điều trị bỏng của đại học này đã kiểm tra dữ liệu tất cả trẻ em được đưa tới trung tâm điều trị do bị bỏng nước sôi từ năm 2010-2020, cho thấy số trẻ em bị bỏng do mì ăn liền chiếm tới 31% trong tổng số 790 ca trẻ em bị bỏng.

Trong thông cáo báo chí, giáo sư giải phẫu Sebastian Vrouwe, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ: “Hầu như cứ hai đứa trẻ tới chỗ chúng tôi điều trị thì có một trẻ bị bỏng do mì ăn liền, do đó chúng tôi muốn kiểm tra dữ liệu xem xu hướng này ra sao. Chúng tôi hy vọng sẽ đặt nền tảng cho việc soạn thảo chương trình phòng ngừa bỏng trong tương lai, vì về căn bản, mọi trường hợp trẻ em bị bỏng đều ít nhiều có thể phòng ngừa”.

Ông Vrouwe cho biết nhóm nghiên cứu không ngờ mì ăn liền lại là nguyên nhân lớn làm trẻ em bị bỏng như vậy, cho thấy việc nâng cao nhận thức về loại bỏng này có thể tác động đáng kể lên nhận thức của cộng đồng.

Cũng theo kết quả nghiên cứu, việc trẻ em dễ bị bỏng do mì ăn liền hay không còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện sống của các hộ gia đình. Theo đó, trung bình, trẻ em bị bỏng rất có thể là dân da đen và ở khu phố nghèo. Xu hướng đó có thể do mì ăn liền là món ăn rẻ tiền, do vậy, “nếu toàn cầu cố gắng giải quyết nạn trẻ em đói nghèo thì có thể sẽ góp phần phòng ngừa trẻ em bị bỏng”.

Giáo sư Vrouwe cho rằng sự giám sát của người lớn là biện pháp phòng ngừa thiết yếu để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị bỏng do mì ăn liền cũng như các món ăn nóng khác.

Đoàn Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm