Mường La khôi phục sản xuất trên vùng lũ Nậm Păm

Mường La khôi phục sản xuất trên vùng lũ Nậm Păm
Người dân huyện Mường La (Sơn La) gieo cấy lúa. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
 Người dân huyện Mường La (Sơn La) gieo cấy lúa. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Đã hơn 10 ngày nay, gia đình chị Cà Thị Xiên ở bản Hua Nậm, xã Nậm Păm, huyện Mường La tất bật với với thửa đất nông nghiệp của gia đình mới được xã chia lại sau trận lũ quét năm 2017. Nhà có 4 nhân khẩu, trung bình mỗi khẩu được chia 300 m2. Gọi là đất để làm nông nghiệp nhưng thực ra trước khi được xã, bản giao cho, đây chỉ là một bãi đá ngổn ngang. Sau khi thuê máy xúc san ủi mặt bằng hết hơn 6 triệu đồng, công việc còn lại của gia đình chị là nhặt từng hòn đá sót lại và đắp bờ lên cao. Vụ Chiêm Xuân năm nay chỉ cấy được 1/3 điện tích, nhưng cả gia đình chị vẫn thấy phấn khởi vì đã 2 vụ trôi qua cả nhà đã không có ruộng để gieo cấy. Chị Cà Thị Xiên chia sẻ, sau trận lũ quét năm 2017, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, ruộng vườn bị trôi hết, đến cả rau cũng không trồng được. Vừa rồi được bản chia lại đất để sản xuất bà con rất phấn khởi, mọi người đều cố gắng cải tạo lại ruộng, hy vọng trong năm nay sẽ thu hoạch được thóc ăn để giảm bớt khó khăn.
Người dân xã Nậm Păm (Mường La, Sơn La) cải tạo đất để làm ruộng nước. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
 Người dân xã Nậm Păm (Mường La, Sơn La) cải tạo đất để làm ruộng nước. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Hua Nặm là bản đầu tiên của xã Nậm Păm đã hoàn thành việc đo đạc, cân đối, phân chia và giao đất nông nghiệp cho người dân. Cả bản có 203 hộ, với diện tích đất trên 4 ha. Theo đại diện chính quyền địa phương cho biết, việc phân chia đất cho người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn bởi mặt bằng có thể canh tác nông nghiệp sau lũ đã bị san lấp gần hết. Một số diện tích không bị ảnh hưởng do đã có chủ, nay phải vận động các hộ dân bàn giao để tiến hành phân chia lại. Ngoài ra, hiện số nhân khẩu có sự phát sinh tăng so với thời điểm trước khi thiên tai xảy ra. Anh Cà Văn Biên, Trưởng bản Hua Nậm cho biết, trong quá trình khôi phục, cải tạo lại ruộng, nhân dân gặp nhiều khó khăn vì sau khi lũ đi qua để lại toàn sỏi đá. Không những thế, hệ thống kênh mương thủy lợi đều đã bị tàn phá, nên để lấy nước vào ruộng người dân phải làm tạm các hệ thống đường dẫn bằng đất.  Để việc chia lại đất cho người dân được công bằng, chính quyền xã Nậm Păm đã thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở họp dân nhiều lần và thống nhất chia đất bằng hình thức bốc thăm. Do chưa kịp làm lại mặt bằng, mặt khác các công trình thủy lợi không có, ruộng thiếu nước nên vụ chiêm xuân năm nay, mới chỉ có 50% diện tích được người dân khôi phục và có thể gieo cấy lúa. Diện tích còn lại xã đã vận động người dân trồng các loại rau, hoa màu ngắn ngày.
Người dân xã Nậm Păm (Mường La, Sơn La) cải tạo ruộng nước để gieo cấy. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
 Người dân xã Nậm Păm (Mường La, Sơn La) cải tạo ruộng nước để gieo cấy. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Ông Lò Văn Cẩn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Păm cho biết, do đất sản xuất sau lũ không được đồng đều, có những chỗ bị vùi lấp, nước lũ cuốn trôi, có những chỗ do thi công các công trình giao thông nên rất khó khăn trong quá trình cải tạo. Tuy nhiên đến nay người dân đã khắc phục khó khăn, bước đầu đi vào sản xuất. Với việc khôi phục lại các diện tích đất sản xuất, nhất là ruộng nước sẽ góp phần giúp người dân có thêm nguồn lương thực để dự trữ trong thời gian giáp hạt. Theo con số thống kê sau cơn lũ lịch sử xảy ra và năm 2017, toàn huyện Mường La có gần 600 ha diện tích lúa, cây cối và hoa màu bị sạt lở, vùi lấp. Cùng với việc xây dựng các công trình thiết yếu như: Kè chống lũ, đường giao thông, thanh thải dòng suối… huyện Mường La vận động doanh nghiệp hỗ trợ về phương tiện, máy móc san ủi mặt bằng, khôi phục diện tích đất sản xuất. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường La Nguyễn Văn Bắc cho biết, tính đến thời điểm này, tại các xã như: Nậm Păm, Mường Bú và thị trấn Ít Ong, diện tích đất nông nghiệp đã khôi phục sản xuất đạt 60 ha; trong đó, 50% số diện tích đất khôi phục đã được người dân trồng lúa. Đối với các diện tích không khôi phục được để trồng lúa, huyện đã hỗ trợ người dân trồng các cây ngắn ngày như bí đỏ, rau màu. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập kêu gọi thực hiện việc khôi phục diện tích đất thông qua công tác xã hội hóa, từ đó nhằm giảm bớt chi phí, gánh nặng cho người dân vùng lũ.

Hữu Quyết

Có thể bạn quan tâm