Mục tiêu đến năm 2021 đưa hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân vào hoạt động

Mục tiêu đến năm 2021 đưa hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân vào hoạt động

Ngày 9/9, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến tới 63 Công an các tỉnh, thành phố về triển khai thực hiện Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân và sơ kết 6 tháng thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.

Mục tiêu đến năm 2021 đưa hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân vào hoạt động ảnh 1Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đưa hai dự án vận hành vào năm 2021

Bộ Công an được giao nhiệm vụ xây dựng Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để bảo đảm việc thực hiện cấp thẻ căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc. Đây là hai Dự án có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, phục vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Thực hiện Quyết định số 446, ngày 11/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án sản xuất, cấp và quản lý chứng minh nhân dân, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật làm hành lang pháp lý cho việc triển khai dự án. Bộ Công an đã tiến hành cấp thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố. Sau khi Luật Căn cước công dân được thông qua, Bộ Công an đã tổ chức điều chỉnh, chuyển đổi, cập nhật hệ thống sản xuất, cấp và quản lý chứng minh nhân dân sang căn cước công dân tại 16 địa phương. Đến nay, gần 17 triệu thẻ chứng minh nhân dân/căn cước công dân đã được cấp. Hệ thống căn cước công dân được kết nối, chia sẻ, khai thác, phục vụ có hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Công an.

Về Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện và tổ chức tập huấn về quy trình thu thập, cập nhật thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu về dân cư. Đến ngày 20/8/2020, đã có 59/63 các địa phương đã thu thập theo kế hoạch. Đến nay, 14 bộ, cơ quan ngang bộ và 45 tỉnh, thành phố gửi kết quả về Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội thực hiện việc kết nối, chia sẻ.

Ngày 3/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Đây là thuận lợi cơ bản để lực lượng Công an khẩn trương triển khai song song với Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân sẽ lấy vân tay lăn thay cho vân tay phẳng; sử dụng thẻ Chip điện tử vì tính bảo mật cao và tốc độ xử lý nhanh hơn so với các loại khác, tích hợp được nhiều tiện ích trong quá trình sử dụng; đầu tư ứng dụng nhận dạng vân tay, nhận dạng khuôn mặt phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng tàng thư phòng, chống tội phạm. Đối với ứng dụng nhận dạng tròng mắt, ADN và giọng nói sẽ có thiết kế mở để khi điều kiện phù hợp sẽ thực hiện đầu tư.

Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc, thực hiện thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký căn cước công dân tự động trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin giúp lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự; hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Mục tiêu chung là đến ngày 26/2/2021 bấm nút vận hành hai dự án và đến ngày 1/7/2021 toàn bộ hệ thống được đi vào hoạt động.

Mục tiêu đến năm 2021 đưa hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân vào hoạt động ảnh 2Đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Thực hiện đồng bộ, tiết kiệm, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, việc triển khai song hành hai Dự án nhằm đảm bảo đồng bộ, tận dụng tối đa nguồn nhân lực, hạ tầng, đường truyền kỹ thuật số góp phần tiết kiệm, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước.

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Kế hoạch của Bộ Công an từ Trung ương đến cơ sở để thống nhất nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân và Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân.

Thứ trưởng đề nghị Giám đốc Công an các địa phương tập trung chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung bố trí nguồn nhân lực; phối hợp trong triển khai, thực hiện lắp đặt thiết bị, đường truyền, đào tạo, tập huấn; triển khai kế hoạch tổ chức cấp căn cước công dân cho 100% công dân trên toàn quốc đủ điều kiện hoàn thành trước ngày 1/7/2021.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Công an địa phương, các đơn vị Bộ Công an đã tham luận các giải pháp kết hợp thực hiện hai Dự án; huy động lực lượng để tổ chức cấp căn cước công dân đối với vùng có nhiều đồng bào tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa…; tuyên truyền phục vụ triển khai hai Dự án.

Xuân Tùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm