Ê đê là một trong 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên. Hòa vào dòng chảy văn hóa đất Việt, người Ê đê đã có nhiều đóng góp, làm phong phú, đa dạng văn hóa vùng miền, trong đó đặc sắc nhất phải kể đến lễ cầu mùa.

Lễ cầu mùa của người Ê đê thường diễn ra vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch), thời điểm bắt đầu mùa nương rẫy mới. Người Ê đê cầu xin thần linh cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy kho, buôn làng no ấm. Ở một số nơi, người Ê đê còn tổ chức lễ mừng trận mưa đầu mùa. Lễ này có thể làm riêng từng nhà, cũng có thể mở hội chung toàn buôn. Mâm lễ gồm nhiều sản vật nhưng không thể thiếu một ống đựng lúa, cây gậy chọc lỗ và các gói nhỏ hạt giống.


Theo phong tục của người Ê đê, vào những ngày diễn ra lễ cầu mùa, đồng bào không đi làm nương, làm rẫy, không đi đâu xa mà chỉ ở trong buôn để tham gia hoạt động này nhằm gắn kết cộng đồng, tạo sự đoàn kết, sẻ chia trong buôn làng Ê đê.
Dương Giang