Mưa "vàng" giải nhiệt cho Đồng bằng sông Cửu Long giữa cao điểm hạn mặn

Mưa "vàng" giải nhiệt cho Đồng bằng sông Cửu Long giữa cao điểm hạn mặn
Ông Nguyễn Văn Sáu, người dân ở xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) cho biết, đây thự sự là "cơn mưa vàng" tại thời điểm hiện nay, vì tình trạng nước mặn, hạn hán kéo dài ảnh hưởng hơn 8.000 m2 đất trồng cây sầu riêng của gia đình.

Ông Sáu chia sẻ, mấy tháng nay nước mặn bao phủ toàn bộ hệ thống sông trên địa bàn, người dân không có nước ngọt để tưới cho cây trồng. Cây sầu riêng của gia đình ông bị thiếu nước tưới bắt đầu rụng lá, khô héo. Mặc dù ông đã chủ động trữ nước ngọt, mua thêm nước ngọt từ nơi khác để tưới cho cây nhưng vẫn không đủ.

Chị Nguyễn Thị Nga (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) tâm sự: "Tôi đã tranh thủ hứng nước, trữ lại để tưới cho hơn 30 nghìn cây giống. Hơn 3 tháng qua, mỗi ngày gia đình tôi tốn rất nhiều tiền để mua nước ngọt tưới cho cây. Nếu trời tiếp tục mưa thì người dân nơi đây có đủ nước tưới cho cây".

Theo ông Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, toàn huyện có hơn 10 nghìn hecta đất trồng cây ăn trái và sản xuất cây giống. Thời gian qua, hạn mặn ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất của người dân. Người dân phải tốn thêm nhiều chi phí để chở nước ngọt về tưới cho cây. Cơn mưa tạo nguồn nước "giải khát" kịp thời cho vùng sản xuất của người dân.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, cho biết, cơn mưa đầu mùa tưới mát cho hơn 72 nghìn hecta dừa, gần 30 nghìn hecta vườn cây ăn trái, cây giống, hàng trăm nghìn vật nuôi (bò, dê, gà, lợn...) của người dân. Bên cạnh đó, cơn mưa làm giảm độ mặn tại các kênh rạch, mương vườn. Tuy nhiên theo ông Đức, chưa biết mùa mưa sẽ đến hay nắng nóng trở lại, do đó người dân không được chủ quan và phải luôn chủ động trữ nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong thời gian tới.
Phúc Hậu
TTXVN

Có thể bạn quan tâm