Mưa lũ tại Sơn La làm nhiều đoạn đường bị sạt lở

Một tuyến đường tại thành phố Sơn La bị ngập nước sau trận mưa lớn. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Một tuyến đường tại thành phố Sơn La bị ngập nước sau trận mưa lớn. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Ngày 6/8, địa bàn tỉnh Sơn La có mưa, mưa vừa và có nơi mưa to đến rất to. Tính đến 22 giờ ngày 6/8, lượng mưa đo được tại thành phố Sơn La là 81mm; xã Tú Nang, huyện Yên Châu 65mm; huyện Thuận Châu 55mm; xã Mường Trai, huyện Mường La 56 mm; xã Hua Nhàn (huyện Bắc Yên) 76mm; xã Xím Vàng (huyện Bắc Yên) 65mm.

Mưa lũ tại Sơn La làm nhiều đoạn đường bị sạt lở  ảnh 1Một tuyến đường tại thành phố Sơn La bị ngập nước sau trận mưa lớn. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, tính đến 23 giờ ngày 6/8, mưa lũ đã khiến một nhà ở tại huyện Sông Mã bị sập đổ hoàn toàn; 5 ha ruộng và 20 ao cá tại huyện Bắc Yên bị ngập úng, lũ cuốn trôi; hai con trâu tại huyện Sốp Cộp bị chết do lũ cuốn trôi.

Mưa lũ đã khiến các đoạn Km5+400; Km8+300; Km8+700 trên tuyến đường Tà Xùa vào trụ sở UBND xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên bị sạt lở. Đoạn Km 9+200 tuyến đường xã Chiềng Phung - Mường Lầm, huyện Sông Mã bị sạt taluy dương với khối lượng sạt khoảng 2.300 m3. Một số tuyến đường tại thành phố Sơn La bị ngập úng. Một người đàn ông ở thành phố Sơn La trượt chân ngã xuống kênh bị nước cuốn trôi.

Hiện nay, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La phối hợp các huyện chủ động ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; đồng thời, huy động các lực lượng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa, lũ, lẽ quét, sạt lở đất trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đề nghị các sở, ban, ngành, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết và diễn biến dịch COVID-19 qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Các sở, ban, ngành và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố tập trung rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương khi có dịch bệnh xảy ra; rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung.

Các lực lượng sẵn sàng phương án huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, hóa chất khử trùng, khẩu trang y tế cho các địa điểm sơ tán dân; lập danh sách lực lượng phải huy động để ứng phó thiên tai trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở. Các sở, ban, ngành và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho các khu cách ly tập trung, các bệnh viện; tổ chức trực ban nghiêm túc; căn cứ điều kiện thực tế, điều chỉnh công tác trực ban; báo cáo tình hình thiên tai tại địa phương…

Nguyễn Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm