Mưa lũ làm ít nhất 20 người chết, mất tích với nhiều thiệt hại tại các địa phương

Mưa lũ làm ít nhất 20 người chết, mất tích với nhiều thiệt hại tại các địa phương
Cụ thể, đã có 5 người chết (bà Bàn Thị Mùi, sinh năm 1973, tại thôn Phiềng Khít, xã Thương Ân, Bắc Kạn bị chết do sét đánh, Yên Bái 1, Sơn La 3), 15 người mất tích (2 người mất tích trên đường đi làm nương bị đất đá sạt lở vùi lấp ở bản Cô Lô Hồ, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu, hiện các lực lượng đang triển khai tìm kiếm; Yên Bái 8, Sơn La 5); 87 nhà bị tốc mái, sạt lở, cuốn trôi, phải di dời (13 nhà bị tốc mái ở Bắc Kạn; 2 nhà phải di rời ở Điện Biên; 72 nhà bị sạt lở, cuốn trôi tại Yên Bái và Sơn La, trong đó Yên Bái 30, Sơn La 42). Có 5 ha đất canh tác bị vùi lấp (Điện Biên 3 ha, Lai Châu 2 ha); 61 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi (Điện Biên 2, Lai Châu 59).

Nhiều tài sản, nhà cửa, hoa màu của người dân bị dòng lũ cuốn trôi. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN.
Nhiều tài sản, nhà cửa, hoa màu của người dân bị dòng lũ cuốn trôi.
Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN.

Mưa lũ đã làm sạt lở 25.889 m3 đường quốc lộ (QL 12, QL279B, QL 279C, QL 4H ở Điện Biên); 16.137 m3 đường tỉnh lộ (ĐT.150, ĐT.142, ĐT.143 ở Điện Biên 7.137 m3; các tuyến đường đi các xã Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Pạ, Pa Ủ, Vàng San, Nậm Khao ở huyện Mường Tè, Lai Châu 9.000 m3); khoảng 200 m3 quốc lộ 32 gây tắc đường (Yên Bái). Hiện địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân, huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống; tổ chức xử lý tạm thời thông tuyến các đoạn đường bị sạt lở.

Theo Vụ Quản lý công trình Thủy lợi và An toàn đập, Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhìn chung các hồ chứa nước được vận hành cấp nước theo đúng quy trình điều tiết, tình hình tích nước tại các hồ chứa ở khu vực Bắc Bộ ở mức 55-70% dung tích thiết kế, khu vực Bắc Trung Bộ ở mức 70-75%, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ở mức 60-75% và Đông Nam Bộ trung bình ở mức 45-55%.

Hiện tại các hồ chứa đang được vận hành theo đúng quy trình điều tiết và trực theo dõi diễn biến mực nước, hiện trạng công trình 24/24h. Tính đến thời điểm này, các hồ chứa thuỷ điện đang đóng toàn bộ các cửa xả đáy.

Để tiếp tục chủ động ứng phó với mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về  phòng chống thiên tai  đã có  văn bản số 339, ngày 2/8 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông báo đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp ứng phó mưa, lũ và sạt lở đất; văn bản số 342, ngày 2/8 gửi  Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc, các công ty Thuỷ điện Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang về việc đảm bảo an toàn hồ chứa.              

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo các cơ quan chức năng có các biện pháp chủ động ứng phó mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất; trong đó các tỉnh Phú Thọ, Lai Châu, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai đã có Công điện, thông báo gửi các Sở, ban, ngành và địa phương sẵn sàng các biện pháp ứng phó./.

Thắng Trung

Có thể bạn quan tâm