Mưa lớn gây nhiều thiệt hại tại các địa phương

Mưa lớn tại Lai Châu gây sạt lở trên các tuyến giao thông như quốc lộ 4H, đường tỉnh 133. Ảnh: TTXVN phát
Mưa lớn tại Lai Châu gây sạt lở trên các tuyến giao thông như quốc lộ 4H, đường tỉnh 133. Ảnh: TTXVN phát

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa kéo dài từ ngày 31/10 đến ngày 2/11 đã gây thiệt hại tại nhiều địa phương.

Mưa lớn gây nhiều thiệt hại tại các địa phương ảnh 1Mưa lớn tại Lai Châu gây sạt lở trên các tuyến giao thông như quốc lộ 4H, đường tỉnh 133. Ảnh: TTXVN phát

Tại tỉnh Lai Châu, mưa lớn ngày 2/11 đã làm sạt lở ta luy dương xảy ra tại các vị trí: Km 114+600, đường tỉnh 133, thuộc địa phận bản Seo Lèng 1, xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ và đoạn km 255+850 trên quốc lộ 4H thuộc địa phận bản Huổi Tát, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, khiến giao thông từ trung tâm huyện Mường Tè đi các xã biên giới và từ trung tâm huyện Sìn Hồ đi các xã vùng thấp bị ách tắc.

Hiện Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Lai Châu đang chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tập trung phương tiện, máy móc để khắc phục các vị trí sạt lở. Tuy nhiên, do trên địa bàn có mưa từ nhiều ngày qua, đất đã ngấm "no" nước, nên trong quá trình khắc phục, đất, đá tiếp tục sạt xuống, gây khó khăn cho đơn vị thi công. Dù vậy, các đơn vị vẫn đang nỗ lực, phấn đấu thông đường trong thời gian sớm nhất.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lai Châu, đợt mưa này sẽ còn kéo dài trong ngày 3-4/11, với lượng mưa phổ biến từ 20- 60mm, có nơi mưa to gần 100mm. Mưa lớn tập trung chủ yếu ở các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường và thành phố Lai Châu; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Người dân cần chú ý theo dõi diễn biến của thời tiết để kịp thời ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Cũng liên quan đến đợt mưa lớn kéo dài này, ngày 1/11, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn Lai Châu cũng ghi nhận các điểm sạt lở, đá rơi như: Km 74+430 tỉnh lộ 127; km 64+500 quốc lộ 12; km 196+280 quốc lộ 4H... làm ách tắc và cản trở cho các phương tiện tham gia giao thông. Lực lượng quản lý đường bộ tại địa phương đã huy động phương tiện, máy móc và nhân lực tổ chức khắc phục, bảo đảm giao thông trên các tuyến.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, do ảnh hưởng của trận mưa lớn, kéo dài trong đêm 31/10 và rạng sáng 1/11, tại các huyện Nậm Pồ, Mường Nhé đã bị thiệt hại đáng kể. Ước thiệt hại ban đầu khoảng hơn 4,7 tỷ đồng.

Cụ thể, có 42 nhà ở (trong đó huyện Nậm Pồ có 8 nhà, huyện Mường Nhé có 34 nhà) bị thiệt hại từ 30% đến hơn 70%; gần 0,5 ha lúa, hoa màu trên địa bàn hai huyện Nậm Pồ, Mường Nhé bị thiệt hại hơn 70%; gần 20 con trâu, bò bị lũ cuốn trôi; gần 4,2 ha diện tích nuôi trồng thủy sản thiệt hại trên 70%. Mưa lũ cũng khiến tuyến đường từ trung tâm xã Pá Mỳ đi điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Pá Mỳ, bản Huổi Cắn (xã Mường Toong, huyện Mường Nhé) bị sạt lở; tuyến đường liên bản đấu nối từ Quốc lộ 4H đi vào các bản Huổi Sâu, Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) bị sạt lở, gây ách tắc giao thông cục bộ khiến hàng trăm hộ dân tộc Cống, Dao bị tạm thời chia cắt, cô lập. Công trình thủy lợi Pa Tần 2 (bản Pa Tần, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) bị sạt lở khoảng 30m...

Lãnh đạo UBND huyện Nậm Pồ đã trực tiếp xuống xã Pa Tần và các xã bị ảnh hưởng thiệt hại do thiên tai để kiểm tra, kịp thời hỗ trợ, động viên những gia đình bị ảnh hưởng; đồng thời chỉ đạo chính quyền các xã thực hiện các biện pháp khắc phục tạm thời để ổn định cuộc sống cho nhân dân.

UBND các xã đang khẩn trương kiểm tra, xác minh cụ thể tình hình thiệt hại; huy động máy móc khắc phục sạt lở thông đường; huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục thiệt hại sau thiên tai, hỗ trợ giúp dân di chuyển tài sản của các hộ bị ảnh hưởng ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở; tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó thiên tai.

Mưa lớn kèm dông, lốc tối 31/10 trên địa bàn huyện An Phú, tỉnh An Giang đã làm tốc mái 37 nhà.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã thăm hỏi, động viên các hộ dân bị thiệt hại và huy động lực lượng thông tuyến đường bị sạt lở, ách tắc; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.

Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động các biện pháp ứng phó.

Khu vực Trung BộTây Nguyên vận hành, điều tiết hồ chứa đảm bảo an toàn hạ du, dành dung tích đón lũ và đảm bảo an toàn công trình.

Các đơn vị chức năng tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ 15 giờ đến 20 giờ ngày 2/11, khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, lượng mưa tích lũy phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 40mm.

Cảnh báo, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi. Lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền.

Thắng Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm