Một số mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với hạn mặn

Một số mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với hạn mặn
Một trong những kết quả nghiên cứu tiêu biểu được các địa phương ứng dụng đạt kết quả trong sản xuất nông nghiệp là đề tài nghiên cứu “Một số giải pháp trong tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng phó hạn hán, xâm nhập gia tăng để phát triển bền vững tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 – 2020, do các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tiến hành. Qua đó đã đề xuất những mô hình canh tác cải tiến, kết hợp luân canh sản xuất lúa và thủy sản, kết hợp luân canh sản xuất lúa và cây màu.
Cải tạo ruộng nuôi tôm theo mô hình lúa - tôm . Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
 Cải tạo ruộng nuôi tôm theo mô hình lúa - tôm . Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Từ kết quả của nghiên cứu nêu trên, một số hộ nông dân của tỉnh Hậu Giang đã ứng dụng  quy trình “3 giảm 3 tăng”- giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế. Kết quả mang lại là giúp giảm từ 20 – 80 kg lúa giống/ha, giảm chi phí thuốc trừ sâu và khoảng 10% lượng phân đạm; tăng lợi nhuận trung bình hơn 2 triệu đồng/ha lúa, đặc biệt là giảm khoảng 35% lượng nước tưới. Tuy vậy, việc triển khai trên diện rộng các quy trình này chưa cao do thiếu sự điều tiết thủy lợi và bảo vệ thực vật đồng bộ, chặt chẽ. Sản phẩm lúa sản xuất theo mô hình này thiện với môi trường nhưng chưa tạo sự đột phá về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm và chưa được hưởng mức giá cao hơn các sản phẩm khác. Một mô hình thích ứng với hạn mặn nữa là kết hợp luận canh sản xuất lúa và thủy sản (trồng lúa và nuôi tôm trên cùng một diện tích). Điểm mạnh của mô hình này là mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với độc canh cây lúa. Mức thu nhập trung bình của mô hình 2 vụ tôm 1 vụ lúa vào khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Mô hình đang phát triển ổn định và mở rộng diện tích lên hơn 160.000ha ở hầu khắp các địa phương nơi đây. Nhưng khó khăn cần tháo gỡ là phải đảm bảo chất lượng con giống, hệ thống thủy lợi ngăn mặn và phòng ngừa ô nhiễm nước, cũng như sản phẩm tôm tiêu thụ ngang bằng với các loại tôm nuôi thâm canh. Mô hình chuyển đổi từ hệ thống canh tác độc canh lúa sang lúa – màu. Lợi nhuận trung bình thu được khoảng 50 – 60 triệu đồng/ha/năm, cao gấp đôi so với lợi nhuận trồng lúa 3 vụ, đồng thời góp phần hạn chế sâu bệnh hại lúa, giảm áp lực nước tưới trong thời điểm nắng hạn, cải thiện độ phì của đất. Hiện Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi được khoảng 112.000 ha sản xuất lúa vụ Xuân Hè sang các loại cây trồng khác như ngô, đậu tương, thanh long, vừng đen, ớt, dứa… Nhưng cũng giống như 2 mô hình trên, các địa phương chưa có giải pháp đồng bộ về vụ, vùng chuyển đổi cây trồng và kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhất là vốn đầu tư cho mô hình này cao hơn so với độc canh cây lúa. Mô hình canh tác lúa thông minh trên vùng đất phèn mặn thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Kiên Giang, thực hiện 234ha ở huyện Hòn Đất và Gò Quao. Mô hình đã lắp đặt 8 trạm quan trắc môi trường và 7 ống cảm biến ướt khô xen kẽ, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, kết nối internet vạn vật để quản lý và phân phối nước trong canh tác lúa thông minh. Qua đó, nông dân có thể giám sát mực nước trên bề mặt ruộng tự động để tiết kiệm nước tưới, nâng cao giá trị và hiệu quả lợi nhuận, góp phần thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng cao và bền vững của tỉnh. Trên cơ sở các mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn đang được ứng dụng, các nhà khoa học đã đưa ra các đề xuất chính sách. Cụ thể về quy hoạch trong ngắn hạn, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch các vùng tôm – lúa, lúa – màu, chuyên lúa phù hợp với tình hình thời tiết và điều kiện tự nhiên. Về lâu dài, cần ban hành quy hoạch sử dụng đất thống nhất cho toàn vùng. Đồng thời rà soát và điều chỉnh đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm – lúa và tôm – màu tập trung; đầu tư các hệ thống trữ, bơm cấp nước ngọt chủ động nguồn nước cho sản xuất. Để mô hình luân canh lúa – thủy sản phát huy được thế mạnh bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả kinh tế, nên tập trung nghiên cứu và phát triển các giống lúa chịu mặn cao, phù hợp với vùng nuôi tôm lúa. Quản lý chất lượng tôm giống và nghiên cứu xác định năng suất tối đa, tối ưu hóa nuôi tôm trong các hệ thống tôm – lúa (vùng sinh thái khác nhau, thiết kế đồng ruộng, mật độ thả, tỷ lệ thả xen ghép các loài (tôm, cua), năng suất tôm nuôi trong điều kiện môi trường ruộng khác nhau, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh… Về tổ chức sản xuất, nhu cầu hiện nay là cần đánh giá và thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và tiến  hành các hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực và trình độ quản lý; gắn khuyến nông, khuyến ngư trong tổ chức sản xuất... Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng và thúc đẩy các hình thức chuỗi liên kết sản xuất giữa người dân – doanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn, vật tư đầu vào với người nuôi, nhà máy chế biến thủy sản và người tiêu thụ tôm, lúa nhằm tạo ra mô hình hiệu quả và nhân rộng với cánh đồng lúa – màu, tôm – lúa diện tích lớn. Mặt khác đẩy mạnh phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là phát triển thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm tôm càng xanh, cá rô phi và các sản phẩm tiềm năng trong mô hình tôm-lúa.
Nguyễn Văn Hào

Có thể bạn quan tâm