Một số điểm mới trong Quy chế tuyển sinh đại học năm 2021

Một số điểm mới trong Quy chế tuyển sinh đại học năm 2021

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 16/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 7/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Một số điểm mới trong Quy chế tuyển sinh đại học năm 2021 ảnh 1 Phụ huynh và học sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2021 Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Quy chế tuyển sinh năm nay có một số điểm mới thay đổi so với năm 2020. Cụ thể, bổ sung phương thức thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến. Để xét tuyển đợt 1, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng chỉ được chọn một trong hai phương thức: đăng ký trực tiếp trên Phiếu Đăng ký dự thi và Đăng ký xét tuyển hoặc đăng ký trực tuyến theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, nộp lệ phí đăng ký xét tuyển. Trong các đợt xét tuyển sau đợt 1, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí theo quy định của cơ sở đào tạo.

Sau khi có điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần (năm 2020, thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần).

Ngoài giấy chứng nhận kết quả thi Trung học phổ thông, các trường không được dùng bất cứ hình thức nào khác để thay thế giấy chứng nhận xác định nhập học. Cụ thể, thí sinh xác nhận nhập học vào cơ sở đào tạo đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách, chỉ gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (đối với thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của năm tuyển sinh) đến cơ sở đào tạo bằng hình thức trực tiếp hoặc bằng hình thức thư chuyển phát nhanh. Thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác.

Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học thông qua việc chỉ nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (đối với thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của năm tuyển sinh) vào cơ sở đào tạo theo quy định của Quy chế này, trong thời hạn do cơ sở đào tạo quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được hiểu là từ chối nhập học và cơ sở đào tạo được xét tuyển thí sinh khác.

Thông tư quy định chặt chẽ hơn việc Ủy ban nhân dân các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng đào tạo nhân lực cho tỉnh, đối tượng là học sinh các vùng trên. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thực hiện theo quy định của Quy chế này. Điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm trúng tuyển của ngành đào tạo, trừ khi đảm bảo đồng thời các điều kiện sau đây thì có thể thấp hơn không quá 1 điểm so với điểm trúng tuyển của ngành đào tạo tính theo thang điểm 30: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng để đào tạo lao động cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp của tỉnh và cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp; Thí sinh là người có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên và học 3 năm cấp Trung học phổ thông tại địa phương, cam kết làm việc tại tỉnh sau khi tốt nghiệp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đặt hàng chịu trách nhiệm giải trình với các cơ quan chức năng và xã hội về nhu cầu đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý Cơ sở dữ liệu xét tuyển chung toàn quốc; xây dựng, duy trì và vận hành Cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ thí sinh và các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh, bao gồm các thông tin: Chỉ đạo điều hành công tác tuyển sinh, cơ sở dữ liệu về kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết cho công tác tuyển sinh.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện rà soát, xác định khu vực ưu tiên cho các trường Trung học phổ thông và tương đương tại địa phương theo các quy định hiện hành; chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, thiết bị và cử cán bộ có năng lực, nắm vững Quy chế tuyển sinh để hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ nhận hồ sơ hướng dẫn thí sinh đăng ký nguyện vọng theo quy định; điều chỉnh nguyện vọng theo phương thức trực tuyến; nhập thông tin Phiếu Đăng ký dự thi và Đăng ký xét tuyển vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đảm bảo quy trình, thời hạn thực hiện công việc theo kế hoạch chung về công tác tuyển sinh.

Các cơ sở đào tạo độc lập xét tuyển hoặc tự nguyện phối hợp với nhau thành nhóm cơ sở đào tạo để thực hiện xét tuyển. Các cơ sở đào tạo thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng đơn vị liên quan về mức thu, tỉ lệ điều tiết và các nội dung khác, phục vụ công tác tuyển sinh.

Thông tư cũng cập nhật các điều kiện ưu tiên Đối tượng theo pháp lệnh của Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/7/2021.

Việt Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm