Thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh Nam Bộ (Bài 3)

Thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh Nam Bộ (Bài 3)
Bài 3 (tiếp theo và hết): Cần chung tay ứng phó
Biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ bó hẹp ở  khu vực mà còn mang tầm sinh mệnh quốc gia, vì thế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo sát sao vấn đề này.
Hình ảnh vùng Đồng sông Cửu Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Hình ảnh vùng Đồng sông Cửu Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
 
Tại hội nghị "Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào cuối tháng 9/2017, Thủ tướng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học phải đưa được quyết sách mới cho hệ thống chiến lược về biến đổi khí hậu; đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động sự tham gia của các bên và toàn xã hội.
 
Thủ tướng cũng lưu ý, các phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, đặc biệt có tính kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh chia rẽ, bị động; đồng thời có giải pháp trước mắt, lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân Đồng bằng sông Cửu Long ổn định, phát triển.
  
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, các số liệu đo đạc thực tế cho thấy, những tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực phía Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đến nhanh hơn dự báo, các tác động ngày càng nặng nề hơn.

Dễ thấy là những biểu hiện cực đoan của biến đổi khí hậu qua tần suất mưa và khô hạn bất thường diễn ra đều khắp ở các tỉnh phía Nam trong vài năm trở lại đây. Ở nhiều địa phương, tổng lượng mưa hàng năm tăng từ 5-20% nhưng mùa mưa có xu hướng ngắn đi và xuất hiện mưa trái mùa. Số trận mưa giảm nhưng lượng mưa lại tăng khiến tình trạng ngập lụt diễn ra nhiều nơi. Sau mỗi đợt mưa là nắng kéo dài dẫn đến khô hạn, xâm nhập mặn sâu khiến nhiều nơi không đủ nước sạch phục vụ sinh hoạt.
 
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu phân tích, trong tương lai xa, nước sông Mê Kông sẽ trong nhưng lượng phù sa đổ về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm tới 96%. Từ đó, tạo sức ép tự nhiên như xâm nhập mặn, nước nhiễm phèn, sạt lở, thời tiết cực đoan, nhiệt độ tăng. Những vấn đề này ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng nước sạch, đời sống kinh tế… gây áp lực lên Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ khi chứng kiến các đợt di dân quy mô lớn.
 
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thục đề xuất, các địa phương cần thống nhất quan điểm để chủ động thực hiện giải pháp sống chung với lũ, quản lý lũ trong đồng, bảo vệ tuyến dân cư, bảo dưỡng đê nội đồng; đồng thời thực hiện quy hoạch thủy lợi và quy hoạch đường giao thông ven biển.
 
Đối với sạt lở bờ sông, các địa phương cần thực hiện quy hoạch, di dời, bảo vệ bờ kè, trồng cây chịu nước. Với tình trạng xói lở bờ biển, các địa phương cần trồng rừng ngập mặn, thực hiện các công trình bờ kè, đê bao phù hợp như, trồng rừng theo cách đóng cọc bên ngoài rồi trồng cây chịu mặn, cây chịu nước bên trong. Khi cây phía bên trong lớn thì nhổ cọc dời ra xa để tiếp tục trồng cây, thực hiện như vậy vừa đảm bảo cây đủ lớn để thích nghi vừa đảm bảo chống xói lở. 

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhìn nhận, để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, các tỉnh phía Nam phải đặt trong tính liên vùng. Các tỉnh, thành trong khu vực cần nắm thông tin, chia sẻ dữ liệu về biến đổi khí hậu tại địa phương mình nhằm đảm bảo tính liên vùng, liên ngành, đồng thời cập nhật các vấn đề, giải pháp mới. Các tỉnh, thành phố, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải hoàn thành và ban hành kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng cả nước hoàn thành kế hoạch để triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
 
Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu cần thường xuyên cung cấp thông tin, chuyển giao các nghiên cứu, kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho các tỉnh trong khu vực để nắm sát tình hình và đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời.
 
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của cả nước; trong đó có tới 2/3 dự án được triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện thực hiện hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực trong tương lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định.
 
Còn đối với vấn đề sạt lở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung, xác định các cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với thực tế. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá tổng lượng bùn cát đến từ thượng nguồn sông Mê Kông và tổng lượng khai thác cát trong vùng làm cơ sở đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế nguy cơ suy thoái lòng dẫn, suy kiệt dòng chảy vùng, dẫn đến việc xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào đất nông nghiệp, gây ảnh hưởng đến sản xuất. 

Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương lập quy hoạch bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long để xác định và quản lý hiệu quả hành lang ven sông, ven biển, làm cơ sở để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn chế rủi ro thiên tai./.
Nguyễn Xuân Dự
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm