Thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh Nam Bộ (Bài 2)

Thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh Nam Bộ (Bài 2)
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng số 265 điểm, tổng chiều dài 450 km, uy hiếp nghiêm trọng đến ổn định dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội.

Bài 2: Đất liền ngập dần trong nước
Vùng Đồng sông Cửu Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Vùng Đồng sông Cửu Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
 
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Nếu nước biển dâng 100 cm thì 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập, trong đó Hậu Giang ngập đến 80%, Kiên Giang ngập 76%, Cà Mau ngập 57%, Bến Tre ngập 22% và Sóc Trăng ngập 50%.

Nói về ảnh hưởng của địa phương bởi biến đổi khí hậu, ông Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết: Với kịch bản biến đổi khí hậu, khi mực nước biển dâng cao 100 cm, tỉnh Sóc Trăng có nguy cơ ngập 50%. Do nằm ở vị trí cuối nguồn sông Hậu, tiếp giáp biển Đông nên Sóc Trăng còn bị ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô. Đi cùng với đó là vấn đề ngập úng, sạt lở đê bao, bờ bao trong mùa mưa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
 
Trước tình trạng trên, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện dự án thí điểm trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn, đồng thời triển khai dự án gây bồi tạo bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển địa bàn xã hai xã giáp biển là Vĩnh Tân, Vĩnh Phước (thị xã Vĩnh Châu).

Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng cũng đang thực hiện mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu như: Mô hình tưới nhỏ giọt trên cây ớt; chăn nuôi gia súc trên đệm lót sinh học; thu gom nước mưa phục vụ ăn uống, sinh hoạt tại khu vực bị ảnh hưởng xâm nhập mặn gồm thị xã Vĩnh Châu, các huyện Mỹ Tú, Trần Đề, Cù Lao Dung.
 
Tại tỉnh Bến Tre, ông Võ Văn Ngoan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bến Tre cho biết: Sạt lở trên địa bàn tỉnh đang diễn ra nghiêm trọng. Năm 2014, toàn tỉnh có hơn 4,5 ha đất ven biển bị mất do sạt lở. Từ năm 2015 đến nay, có hơn 5 km đất ven biển, ven sông thường xuyên bị sạt lở do triều cường và nước biển dâng. Đặc biệt, từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, Bến Tre hứng chịu hạn mặn nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua do nước biển dâng và khan hiếm nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về.
 
Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Bến Tre đã thực hiện dự án thủy lợi Bắc Bến Tre và dự án quản lý nước tỉnh Bến Tre với mục tiêu đưa sông Ba Lai thành nơi trữ nước ngọt cung cấp cho khu vực Bắc Bến Tre. Tỉnh cũng kêu gọi đầu tư xây dựng đường ống nước ngọt từ thượng nguồn cấp cho khu vực Nam Bến Tre. Ngoài ra, Bến Tre đang lên kế hoạch xây dựng đập, cống phân đoạn trên các tuyến sông, kênh làm thành hồ trữ ngọt ở các huyện, kêu gọi đầu tư phát triển điện gió, năng lượng mặt trời để sản xuất điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
 
Ông Đặng Hữu Lạc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cũng cho biết: Khu vực phía bờ biển Tây tỉnh Cà Mau có mức độ sạt lở bình quân từ 20 - 25m/năm, còn bờ biển Đông từ 45 - 50m/năm, với chiều dài khoảng 150km. Một số đoạn bờ biển bị sạt lở có nguy cơ vỡ đê biển hơn 40km và hơn 5.100m rừng phòng hộ ven biển nguy cơ bị nhấn chìm.
 
Đại diện lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã tập trung khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với tổng chiều dài gần 22.700m, với kinh phí hơn 640 tỷ đồng. Tỉnh triển khai xây dựng các loại kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè tường mềm giảm sóng nhằm khắc phục sạt lở đê biển với chiều dài gần 6.700 m.
 
Nằm sâu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, biến đổi khí hậu  cũng gây nhiều thiệt hại đối với tỉnh Hậu Giang. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho biết, trên địa bàn tỉnh có 3 địa phương thường xuyên xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng là các huyện Châu Thành, Châu Thành A và thị xã Ngã Bảy với 40 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 điểm sạt lở đất, trong đó huyện Châu Thành có 6 điểm, thị xã Ngã Bảy có 1 điểm, huyện Châu Thành A 2 điểm…
 
Ngày 5/5/2017, một đoạn đê bao trên sông Ba Láng cách đoạn kè chống sạt lở ấp Thạnh Lợi, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A khoảng 10 m hướng đi về thành phố Cần Thơ bị sạt lở nghiêm trọng, làm hư hại hàng chục m đường giao thông nông thôn, hàng rào của người dân…Liên tiếp trong các ngày 12 và 13/7/2017, tại ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành đã xảy ra 3 vụ sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến 13 hộ dân sống ở khu vực này, ước tính thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng./.
 Nguyễn Xuân Dự
 Thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh Nam Bộ (Bài 3, tiếp theo và hết): Cần chung tay ứng phó
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm