Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu giảm ô nhiễm môi trường

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu giảm ô nhiễm môi trường
Đánh giá về chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 là một trong 7 chương trình đột phá của thành phố nên cần có những giải pháp thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Ô nhiễm môi trường không những có tác động ngay trước mắt mà còn tác động lâu dài, vì vậy cần có những giải pháp lâu dài, bền vững nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường đối với đời sống, xã hội, tiến tới thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Ở góc độ thực hiện tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Gia Thái Bình cho biết: Hiện địa bàn quận có nhiều đơn vị thu gom rác dân lập, không đảm bảo phương tiện thu gom. Việc thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt được thực hiện qua các trạm trung chuyển hở nên xảy ra ô nhiễm môi trường. Quận lên kế hoạch quy hoạch 5 điểm ép rác kín, hiện đang làm thủ tục để triển khải xây dựng trong thời gian tới nhằm giảm ô nhiễm môi trường quá trình thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt. Ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Toàn thành phố hiện có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp; trong đó 16 khu đang hoạt động đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, có trạm quan trắc tự động chuyển dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố. Ban Quản lý sẽ tăng cường kiểm tra việc đấu nối nước thải đã xử lý cục bộ ở các đơn vị, doanh nghiệp nhỏ lẻ nhằm đảm bảo xử lý nước thải an toàn, không gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tình hình tại đơn vị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tình hình tại đơn vị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tình trạng thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường  là do không có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị, địa phương. Cần có giải pháp quản lý hệ thống thu gom rác dân lập trên toàn thành phố. Những địa phương có đủ điều kiện sẽ xây dựng trạm ép rác khép kín vì dù nằm ở giữa khu dân cư, trạm ép khép kín vẫn đảm bảo  vệ sinh môi trường. Lộ trình thu gom rác sinh hoạt hiện nay chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Xe thu gom rác tải trọng lớn không nên đi xuyên vào thành phố mà cần bố trí đi lại ở các đường vành đai, các xe thu gom tải trọng nhỏ sẽ vận chuyển rác đến bãi tập trung ở các tuyến đường vành đai. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, tại thành phố, việc thực hiện các chỉ tiêu của chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 trong hơn 2 năm qua đã tạo được sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Trong 16 chỉ tiêu, thành phố đã thực hiện đạt 4 chỉ tiêu, 12 chỉ tiêu đang được nỗ lực thực hiện, dự báo 2 chỉ tiêu khó hoàn thành đến năm 2020, đó là: Thu gom xử lý nước thải đô thị và giảm ô nhiễm nguồn nước mặt. Bên cạnh đó, việc xử lý rác thải sinh hoạt phần lớn là chôn lấp hợp vệ sinh, trong khi đó việc tái chế, tái sử dụng vẫn chưa cao, hiện thành phố chưa chọn được phương án và công nghệ phù hợp để thực hiện xử lý rác thải theo hướng đốt thu hồi năng lượng. Nhằm thực hiện đạt các chỉ tiêu về giảm ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng; ngành Giáo dục và Đào tạo cần mở rộng việc hướng dẫn học sinh thực hiện phân loại rác tại nguồn, hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng; Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cần đánh giá lại công tác thực hiện các chỉ tiêu, xây dựng giải pháp cụ thể đối với vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt và ô nhiễm môi trường kênh, rạch./. 
 Nguyễn Xuân Dự
TTXVN

Có thể bạn quan tâm