Phản biện, hoàn thiện đề án điều chỉnh phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phản biện, hoàn thiện đề án điều chỉnh phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh
Theo bà Triệu Lệ Khánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo công bằng cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhiều cơ sở có nguồn xả thải gây ô nhiễm môi trường nhưng không thuộc đối tượng đóng phí. Với những bất cập này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp ở địa bàn thành phố. Những điều chỉnh tăng mức thu phí sẽ khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiết kiệm nước, giảm xả thải, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hạn chế thải các chất ô nhiễm ra môi trường.
Bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
 
Phản biện về dự thảo Đề án, ông Tống Hữu Châu, thành viên Hội đồng khoa học kỹ thuật môi trường - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Dự thảo Đề án đã bổ sung đối tượng thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, trong đó có các cơ sở y tế, cần xem xét lại việc thu phí với các cơ sở y tế vì những đơn vị này đã có hệ thống xử lý nước thải y tế. Đồng thời, việc thu phí bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế sẽ làm tăng chi phí khám chữa bệnh, ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Bên cạnh việc tăng phí đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất cần có những chế tài để kịp thời xử lý những cơ sở vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Ông Đồng Văn Khiêm, thành viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến phản biện. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Ông Đồng Văn Khiêm, thành viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến phản biện. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
 
Trong khi đó, ông Đồng Văn Khiêm, thành viên Hội đồng khoa học kỹ thuật môi trường - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: Dự thảo Đề án nêu về tăng mức thu đối với nước thải công nghiệp nên đổi thành nước thải độc hại để tăng tính chất bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần bổ sung thêm đối tượng thu phí là nước thải nông nghiệp vượt quá nồng độ cho phép đối với trang trại, nhà vườn và nước thải các nhà vệ sinh tập trung ở các khu dân cư, chung cư. 
 
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Đặng Trung - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn phân tích Thời Gian Thực cho biết: Việc tăng mức thu phí bảo vệ môi trường sẽ tác động đến doanh nghiệp, ảnh hưởng đối với người tiêu dùng về giá thành sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, cần có lộ trình phù hợp.
Ông Trần Thanh Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận nêu phản biện về dự thảo Đề án. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Ông Trần Thanh Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận nêu phản biện về dự thảo Đề án. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
 
Còn theo ông Trần Thanh Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Thuận, hiện cơ sở có lượng nước thải dưới 20 m3/ngày, đóng cùng mức phí cố định 1,5 triệu đồng/năm; theo dự thảo Đề án, mức đóng phí cố định này sẽ áp dụng cho cơ sở thải dưới 5 m3/ngày đêm, cơ sở thải từ 5 m3/ngày đêm trở lên sẽ được chia nhỏ và áp dụng hệ số k về lưu lượng rồi nhân với 1,5 triệu đồng.

Theo ông Hồng, Đề án mới chú trọng tăng thu dựa vào khối lượng xả thải, trong khi đó cần phải tăng phí đối với mức độ ô nhiễm trong nước thải của doanh nghiệp mới có tác dụng bảo vệ môi trường.
 
Đại diện Hội đồng nhân dân thành phố đề xuất thêm đối tượng thu phí là các trường học vì các trường có đông học sinh, nhiều trường học còn có hồ bơi nên lượng xả thải lớn.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
 
Trước nhiều ý kiến phản biện của các đại biểu, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố là đề án quan trọng nên nhận được rất nhiều ý kiến phản biện.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến phản biện để gửi đến Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành để xem xét và có điều chỉnh phù hợp. Những phản biện có tính cầu thị, trên tinh thần xây dựng sẽ góp phần giúp Đề án nhận được sự đồng thuận của người dân thành phố khi đi vào thực hiện.
 
Nằm trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn.
 
Hiện trên địa bàn thành phố có gần 2.790 cơ sở sản xuất (thuộc 16 nhóm) đang nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (tổng lưu lượng khoảng 143.430 m3/ngày đêm) với tổng mức thu 8 tỉ đồng mỗi năm./.
  Nguyễn Xuân Dự
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm