Nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm cho cây cà phê ở Tây Nguyên

Nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm cho cây cà phê ở Tây Nguyên
Theo Tiến sỹ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, khác với các vùng chuyên canh cà phê trên thế giới, mùa khô ở Tây Nguyên kéo dài 5 đến 6 tháng, bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, cây cà phê sẽ không có sản phẩm thu hoạch nếu không được tưới nước. Tưới nước đã trở thành biện pháp mang tính quyết định đến năng suất cà phê ở Tây Nguyên. Do vậy, cứ vào mùa khô, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê ở Tây Nguyên đã sử dụng các loại ống dẫn nước với các hình thức tưới như tưới ống vòi (tưới dí vào gốc), tưới tràn, tưới bét quay phun mưa, với lượng nước từ 600 đến 800 lít/cây/lần tưới.

Thông thường, cứ mỗi mùa khô, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê ở Tây Nguyên tưới từ 3 đến 4 đợt cho cà phê, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì số lần tưới cũng tăng lên. Theo tính toán của các nhà khoa học, các nông hộ, doanh nghiệp đã tưới quá thừa lượng nước (nhu cầu của cây cà phê cần lượng nước tưới mỗi đợt chỉ từ 400 đến 450 lít/cây/lần tưới) nên không những gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên nước (bình quân 3 lượt tưới, ngành cà phê các tỉnh Tây Nguyên đã lãng phí trên 150 triệu mét khối nước) mà còn làm tăng chi phí sản xuất.

Khắc phục tình trạng này, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã nghiên cứu phát triển kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, với hệ thống phun mưa cục bộ dưới gốc cà phê và bón phân qua  nước. Theo Tiến sỹ Trần Vinh, qua kết quả của các mô hình cho thấy, kỹ thuật tưới tiết kiệm bằng hệ thống phun mưa cục bộ, với lượng nước 400 đến 450 lít/cây thì tình trạng sinh trưởng, phát triển của vườn cà phê khá tốt, tỷ lệ ra hoa, đậu quả vẫn đạt từ 3 đến 4 tấn cà phê nhân/ha (giống như tưới tràn, tưới bét phun mưa).

Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ tưới mới này, các nông hộ, doanh nghiệp tiết kiệm được công lao động (chỉ cần 1 người khởi động máy, đi kiểm tra còn với hình thức tưới cũ phải cần đến từ 2 đến 3 nhân công…) và chi phí phân bón từ 16 triệu đồng/ha trở lên so với việc tưới truyền thống lâu nay. Trong khi đó, việc lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm khá đơn giản, gồm đường dây ống nhựa PVC (có khóa đóng, mở), 1 bể chứa nước (để hòa phân bón) và một mô tơ bơm nước, với tổng chi phí từ 50 đến 60 triệu đồng/ha, thời hạn sử dụng từ 10 năm trở lên. Đây là những nguyên vật liệu đơn giản, dễ tìm trên thị trường, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê dễ dàng lắp đặt cho vườn cà phê của gia đình, doanh nghiệp nếu được tập huấn, hướng dẫn.

Ngoài ra, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cũng tuyên truyền, vận động các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê ở Tây Nguyên nhân rộng các hình thức tưới tiết kiệm khác như mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel có cải tiến phù hợp với cây cà phê ở vùng Tây Nguyên. Qua thực tế triển khai các mô hình tưới tiết kiệm theo công nghệ tưới nhỏ giọt được thiết kế gồm một hệ thống lỗ tưới, bố trí cách nhau 50 cm (mỗi gốc bố trí 12 lỗ tưới, phân bổ đều xung quanh gốc), lượng nước nhỏ giọt 1,6 lít nước/giờ/1 đầu ra tương đương mỗi giờ một gốc cà phê được cung cấp 19,2 lít nước…

Theo đánh giá của Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, qua các mô hình tưới nước tiết kiệm tại các nông hộ sản xuất cà phê của các tỉnh Tây Nguyên đều mang lại hiệu quả kinh tế khá cao không những đạt năng suất cà phê cao mà còn tiết kiệm chi phí đầu tư sản xuất, tránh được lãng phí tài nguyên nguồn nước.

Các nông hộ sản xuất cà phê ở Tây Nguyên đều đánh giá cao các công nghệ tưới nước tiết kiệm đang được triển khai tại các mô hình, rất thích hợp với sản xuất cà phê theo nông hộ. Tuy nhiên, hiện nay, giá thành đầu tư một hệ thống tưới theo công nghệ mới này còn cao quá, nên toàn vùng Tây Nguyên chỉ mới có 0,05% diện tích cà phê được áp dụng công nghệ tưới này. Các nông hộ sản xuất cà phê vùng Tây Nguyên rất mong Nhà nước sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng để các nông hộ có điều kiện đầu tư phát triển rộng rãi hệ thống tưới tiết kiệm này nhằm góp phần phát triển bền vững cà phê vùng Tây Nguyên.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê trên 582.000 ha; trong đó, diện tích cà phê cho thu hoạch có gần 550.000 ha, với sản lượng niên vụ này phấn đấu đạt từ 1,3 triệu tấn cà phê nhân trở lên.
Quang Huy

Có thể bạn quan tâm