Hiệu quả từ mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển ở Sóc Trăng

Hiệu quả từ mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển ở Sóc Trăng
Trồng rừng ngập mặn ven biển ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Trồng rừng ngập mặn ven biển ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng). 
Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
       
Mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển được thí điểm triển khai ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng từ năm 2007 và chính thức ký kết vào tháng 9/2009, do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ.

Ông Thạch Soal, Trưởng nhóm đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển ấp Âu Thọ B kể lại: 20 năm trước, bãi bồi ở xã Vĩnh Hải và tại ấp Âu Thọ B chưa có rừng ngập mặn, cây thưa thớt. Nhiều nơi sóng biển đánh vào bờ, cuốn trôi đất đai, hoa màu và uy hiếp tính mạng của người dân. Với các dự án của Chính phủ, rừng được trồng qua nhiều năm mới định hình thành rừng. Tuy nhiên ngày ấy, lực lượng kiểm lâm mỏng trong khi ý thức của người dân còn kém, cuộc sống lại khó khăn nên bà con vào rừng, bãi bồi ven biển đánh bắt cá, ốc, cua…; thu nhặt củi làm cho rừng hao hụt nhiều, không phát triển.

Khi dự án triển khai ở ấp Âu Thọ B, 240 hộ dân đã ký kết với chính quyền địa phương và kiểm lâm thực hiện quy chế đồng quản lý bảo vệ rừng, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Người dân tự nguyện hình thành 6 tổ theo cụm dân cư và cùng hoạch định kế hoạch trồng, bảo vệ và sử dụng các nguồn lợi ở 4 phân khu, gồm: khu phòng hộ, khu phục hồi bên trong, khu phục hồi bên ngoài và khu sử dụng bền vững. Mỗi khu giữ vai trò riêng, từ bảo vệ cho các loại thủy sản có nơi trú ngụ, sinh sản, duy trì tính đa dạng của hệ sinh thái, ngăn sóng, hạn chế sạt lở đến mở rộng vành đai rừng phòng hộ.

Sau 8 năm, hiệu quả rõ rệt nhất mà mô hình mang lại là những cánh rừng ngập mặn xanh tốt, gồm đước, mắm, bần… trải dài 2km trên tuyến ven biển ấp Âu Thọ B hiện nay. Từ 115 ha rừng quản lý ban đầu, nhóm đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển đã cùng với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương trồng thêm nhiều diện tích rừng mới, tăng diện tích rừng do nhóm quản lý lên 370 ha.

Ông Thạch Soal, Trưởng nhóm đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển ấp Âu Thọ B chia sẻ: Người dân đã xem mảnh đất mình quản lý là tài sản nên rừng phát triển xanh tốt, từng ngày vươn ra biển, tạo thành tấm lá chắn bảo vệ tài sản của bà con. Khi rừng rậm rạp, người dân sống yên tâm hơn, không lo sợ sóng gió như trước kia. Đê biển có rừng bảo vệ, vững chắc không thua kém bê tông.

Ông Thạch Sơn, Trưởng nhóm đồng quản lý ấp Võ Thành Văn, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Cùng với chính quyền địa phương, chúng tôi thành lập đội cơ động trực tiếp tuần tra trên địa bàn, bảo vệ rừng, thành lập tổ nhóm và bầu người đứng đầu. Người dân họp lại, thảo luận về những điều muốn nhìn thấy ở khu rừng này và cả những điều muốn nhìn thấy trong tương lai. Chúng tôi không là một nhóm của cá nhân riêng lẻ mà là một tập thể có mục tiêu rõ ràng về bảo vệ rừng.
         
Ngoài việc chăm sóc bảo vệ rừng và nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn, mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển đã tạo sự đoàn kết trong cộng đồng và tạo sinh kế ổn định cho bà con. Rừng phát triển tốt đã góp phần tăng nguồn lợi thủy sản. Các thành viên tham gia mô hình được cấp thẻ ra vào rừng khai thác củi và các nguồn lợi thủy hải sản dưới tán rừng để phục vụ đời sống một cách công khai, minh bạch mà không phải lén lút như trước đây. Người dân tự giám sát nhau với mục đích chung là bảo vệ rừng, khai thác một cách bền vững và lâu dài.

Người dân cũng đã mạnh dạn phản ánh những bất cập và khó khăn với chính quyền, đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện đời sống, khai thác nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên hợp lý như nuôi ốc len dưới tán rừng ở ấp Âu Thọ B (xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu), nuôi vộp dưới tán rừng ở ấp Võ Thành Văn (xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung),…

Anh Thái Đăm, thành viên nhóm đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển ấp Âu Thọ B cho biết: Hiện nay ở mô hình đồng quản lý, thành viên vừa thu lợi hải sản tự nhiên như ốc, cua, đồng thời cũng thu lợi từ ốc len nuôi trong rừng. Ốc len là loại thủy sản dễ nuôi, có giá trị kinh tế tương đối cao, có thị trường tiêu thụ thuận lợi nên được đông đảo người dân nuôi. Nhờ thu nhập khá từ nguồn lợi dưới tán rừng mà cuộc sống gia đình tôi giờ ổn định hơn.

Ông Ngô Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đánh giá: Mô hình đồng quản lý là biện pháp hữu hiệu bảo vệ rừng ngập mặn, cung cấp điều kiện sống tốt hơn cho cộng đồng tại địa phương. Sau 8 năm triển khai, đời sống người dân vùng ven rừng tốt hơn nhờ vào khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới tán rừng. Đặc biệt, đê biển được bảo vệ tốt, giảm thiểu xói lở bờ biển, diện tích rừng tăng lên, rừng mọc tái sinh phủ lấp vùng đã bị xói lở,…

Ấp Âu Thọ B ở những năm 2008 có gần 40% hộ dân là hộ nghèo, đồng bào dân tộc Khmer và Hoa chiếm gần 99%. Việc triển khai mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển đã cải thiện đáng kể đời sống người dân, số hộ nghèo giảm dần qua các năm. Các hành vi sai phạm, phá hoại rừng được ngăn chặn ngay từ đầu. Đây là điểm sáng để nhân rộng mô hình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay. Nhiều giải pháp đang được triển khai để duy trì và nhân rộng mô hình, như phát triển lực lượng kế thừa có trình độ, am hiểu địa bàn; tranh thủ các nguồn lực, dự án và có giải pháp tạo nguồn tài chính bền vững cho các hoạt động đồng quản lý…/.
Hoài Thu
TTXVN

Có thể bạn quan tâm