Mộc Châu quan tâm, chăm lo đời sống vùng đồng bào dân tộc Mông

Mộc Châu quan tâm, chăm lo đời sống vùng đồng bào dân tộc Mông

Cấp ủy, chính quyền huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án, đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực. Nhờ đó kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn được nâng lên rõ rệt, những tập quán, hủ tục lạc hậu từng bước bị đẩy lùi, thay bằng nếp sống văn hóa, gắn kết khối đoàn kết.

Mộc Châu quan tâm, chăm lo đời sống vùng đồng bào dân tộc Mông ảnh 1Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhiều hộ dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mộc Châu (Sơn La) có thu nhập khá và ổn định, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Đồng bào dân tộc Mông ở Mộc Châu hiện có 18 dòng họ, sinh sống tại 31 bản, tiểu khu, thuộc 8 xã, thị trấn với 2.934 hộ, 14.883 nhân khẩu, chiếm 12,62% dân số toàn huyện. Xác định công tác chăm lo phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc Mông là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, UBND huyện Mộc Châu luôn tích cực chỉ đạo các cơ quan đơn vị, các xã, thị trấn tăng cường tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; đặc biệt về kỹ thuật chăn nuôi nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm nông sản; hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi cho đồng bào. Qua đó đã giúp đồng bào thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất, canh tác trên đất dốc, chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang sản xuất, chăn nuôi các loại có giá trị kinh tế, năng suất cao; tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào thực hiện chuyển đổi sản xuất, trao đổi hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Trước đây, kinh tế của gia đình bà Sùng Thị Giá ở bản Tà Phềnh, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu rất khó khăn. Được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, năm 2015, bà đã được vay vốn để trồng 200 cây cam, chăn nuôi lợn sinh sản, gà thả vườn. Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm gia đình bà thu hoạch, xuất bán từ 4 đến 5 tấn cam, hàng trăm con gà, hàng chục con lợn, thu lãi hàng trăm triệu đồng, kinh tế, đời sống gia đình ngày càng nâng lên.

Mộc Châu quan tâm, chăm lo đời sống vùng đồng bào dân tộc Mông ảnh 2Bà Sùng Thị Giá, bản Tà Phềnh, xã Tân Lập (Mộc Châu, Sơn La) được vay vốn để trồng 200 cây cam và chăn nuôi cho thu lãi hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN 

Hiện nay, huyện Mộc Châu có hai sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế. Đó là chanh leo Mộc Châu do Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích khoảng 8 ha và sản phẩm chè của Chi nhánh Vinatea Mộc Châu được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp bền vững với tổng sản lượng chè hàng năm là gần 838 tấn. Đây là điều kiện thuận lợi để các gia đình dân tộc Mông trồng chanh leo và chè mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Thông qua việc phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mộc Châu đã có thu nhập khá và ổn định. Điển hình như mô hình chăn nuôi, trồng cây tổng hợp của gia đình ông Lầu Láo Ta ở tiểu khu Pa Khen 2, thị trấn Nông Trường; mô hình trồng mận của gia đình ông Lầu A Thân ở tiểu khu Chờ Lồng, thị trấn Nông Trường; mô hình trồng chanh leo của ông Vàng A Thào ở bản Tà Phềnh, xã Tân Lập...cho thu nhập bình quân từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập Bàn Văn Phương cho biết trên địa bàn xã hiện có 2 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nhờ có các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước, đời sống của nhân dân các dân tộc nói chung, dân tộc Mông nói riêng trên địa bàn xã đã có những đổi thay. Nhiều hộ đã có của ăn của để, xây được nhà mới, mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt gia đình. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục rà soát các hộ nghèo, cận nghèo để triển khai các chủ trương, kế hoạch, các mô hình phát triển kinh tế, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của từng bản, tiểu khu, giúp nhân dân có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Để phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Mông, huyện Mộc Châu đã triển khai thực hiện tốt chính sách định canh định cư, giao đất, giao rừng cho các bản dân tộc Mông quản lý; hàng năm chi trả tiền chăm sóc và bảo vệ rừng cho các bản, các hộ gia đình, chủ rừng. Từ đó, diện tích rừng trồng và rừng tái sinh tăng lên, diện tích rừng già, rừng đặc dụng quốc gia được giữ vững, góp phần bảo vệ độ che phủ rừng đạt 47,5%.

Mộc Châu quan tâm, chăm lo đời sống vùng đồng bào dân tộc Mông ảnh 3Nhiều gia đình ở Mộc Châu đã thực sự thay đổi nhờ chính sách cho vay vốn của Nhà nước, đầu tư vào cây trồng và chăn nuôi. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào Mông được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội. 8/8 xã, thị trấn người dân tộc Mông sinh sống có đường ô tô trải nhựa đến trung tâm xã, một số tuyến đường giao thông nội bản được bê tông hóa. 100% trụ sở Ủy ban nhân dân, trạm y tế xã, thị trấn được kiên cố; 100% có trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở và nhà văn hóa được xây dựng kiên cố. 98% đồng bào dân tộc Mông được sử dụng điện lưới quốc gia, 95% được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của huyện, xã đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các hộ, dòng họ đồng bào dân tộc Mông tham gia các phong trào khuyến học, xây dựng xã hội học tập; đồng thời tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường.

Đến nay, 31/31 bản dân tộc Mông có lớp học và các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc Mông được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định như cấp sách giáo khoa, vở viết; chế độ cho học sinh bán trú, chế độ ăn giữa ca cho trẻ; tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em dân tộc Mông được đến trường… Nhờ đó, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường hằng năm đều tăng, đạt trên 98%; số học sinh bỏ học giảm. Số học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mộc Châu thi đỗ các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và các trường Phổ thông Dân tộc nội trú của tỉnh, huyện đều tăng qua các năm. Nhiều học sinh nghèo vượt khó vươn lên học tập tốt; nhiều dòng họ làm tốt công tác khuyến học, có quỹ khuyến học dòng họ.

Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn đồng bào dân tộc Mông giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xóa bỏ tập tục mê tín, dị đoan và các hủ tục lạc hậu; duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các dịp lễ hội. 100% các bản dân tộc Mông trên địa bàn huyện xây dựng được quy ước, hương ước cơ bản phù hợp với nếp sống văn hoá mới. 100% bản có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng như nghệ thuật múa khèn, múa tha kềnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu Nguyễn Thị Hoa thông tin thời gian tới, huyện Mộc Châu sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chế độ, chính sách, đặc biệt là về xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giáo dục, y tế; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào. Huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn, bảo tồn, phát huy và khai thác bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, các hoạt động văn hóa…

Quang Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm