Mở rộng thị trường cho thương hiệu mật ong Hòa Bình

Mở rộng thị trường cho thương hiệu mật ong Hòa Bình

Tỉnh Hòa Bình đã xây dựng thành công thương hiệu mật ong với các sản phẩm chủ lực như mật hoa rừng, mật bánh tổ, phấn hoa và sữa ong chúa. Để phát triển, mở rộng thị trường thương hiệu mật ong Hòa Bình, các hộ sản xuất, hợp tác xã nuôi ong đã sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đúng quy định và nỗ lực chuẩn hóa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu chứng nhận "Mật ong Hòa Bình” cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình.

Mở rộng thị trường cho thương hiệu mật ong Hòa Bình ảnh 1 Giám đốc Hợp tác xã Green Life Đinh Công Thuần cùng sản phẩm mật ong Hợp Tiến tại buổi trưng bày, đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Hòa Bình năm 2022. Ảnh: Vũ Hà- TTXVN

Hòa Bình được biết đến với khí hậu trong lành và điều kiện tự nhiên, diện tích rừng khá lớn, phù hợp để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Người dân Hòa Bình thường thuần hóa giống ong rừng và nhân đàn để nuôi nên mật ong có chất lượng và hương vị đặc biệt.

Bên cạnh đó, cùng với sự tỉ mỉ trong từng công đoạn nên mật ong giữ được hương thơm, vị ngọt tự nhiên và thuần khiết. Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã khảo sát, hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP. Hiện nay, nghề nuôi ong lấy mật tập trung chủ yếu tại các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy và thành phố Hòa Bình.

Mở rộng thị trường cho thương hiệu mật ong Hòa Bình ảnh 2 Thành viên HTX Green Life thực hiện quy trình quay lấy mật đảm bảo tiêu chuẩn OCOP. Ảnh: Vũ Hà- TTXVN

Có thể kể đến xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) nổi tiếng với khu rừng bảo tồn rộng hơn 5.000 ha. Ngoài một số loài hoa rừng (hoa chó đẻ, ngũ gia bì) thì nơi đây còn có loại cây dược liệu quý như hoa cây xạ đen, ba kích… nên đã đem về cho người nuôi ong nguồn mật rất có giá trị và có tác dụng như một vị thuốc nam. Tận dụng thế mạnh của địa phương, cùng với 7 thành viên, Hợp tác xã Green Life, xã Hợp Tiến còn ký hợp đồng liên kết với 4 hộ nuôi ong trong xã tạo ra sản phẩm mật ong rừng đặc trưng riêng của địa phương mình. Năm 2022, sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến đã được xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh.

Anh Đinh Công Thuần, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Green Life cho biết, với quy mô trên 3.000 đàn ong nuôi tự nhiên, trung bình mỗi năm sản lượng mật ong của Hợp tác xã đạt gần 40 nghìn lít, với tổng thu nhập khoảng 6 tỷ đồng/năm. Việc quay lấy mật được Hợp tác xã thực hiện theo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng. Sản phẩm được gắn nhãn mác, tem truy suất nguồn gốc và đóng lọ thủy tinh với thể tích là 350- 500 ml. Mẫu mã, hình thức đẹp mắt, sang trọng. Hiện nay, mật ong rừng và các sản phẩm sản xuất từ mật ong (nến sáp ong, rượu mật ong) được tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm sạch ở thành phố Hòa Bình, Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Mở rộng thị trường cho thương hiệu mật ong Hòa Bình ảnh 3Mật ong rừng Hợp Tiến, huyện Kim Bôi và các sản phẩm sản xuất từ mật ong (nến sáp ong, rượu mật ong) có mặt ở hàng trăm hội chợ trong nước. Ảnh: Vũ Hà. TTXVN

Giám đốc Hợp tác xã Green Life Đinh Công Thuần chia sẻ thêm, Hợp tác xã được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 11/2021 đến nay, với quy mô và kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, thiếu máy móc xử lý nên sản phẩm trên thị trường còn hạn chế. Đây cũng là khó khăn lớn nhất của Hợp tác xã Green Life sau khi sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Thời gian tới, để hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa và đưa thương hiệu mật ong Hợp Tiến của huyện Kim Bôi (Hòa Bình) vươn xa ra thị trường trong nước và nước ngoài. Hợp tác xã sẽ tiếp tục vay vốn đầu tư máy tách thủy phần- loại máy tách lượng nước có trong mật để hạn chế bọt ga, khử men, nấm và lọc cặn; mua tháp trưng cất rượu mật ong.

Mở rộng thị trường cho thương hiệu mật ong Hòa Bình ảnh 4Quy trình kiểm tra ong định kỳ của Hợp tác xã Green Life. Ảnh: Vũ Hà- TTXVN

Đồng thời, sẽ tiếp tục mở rộng liên kết với các hộ dân nuôi ong địa phương và các huyện trên địa bàn tỉnh, thu mua sản phẩm mật ong để trưng cất rượu… Đặc biệt là Hợp tác xã đang triển khai xây dựng quy trình theo yêu cầu của người sử dụng thị trường Nhật Bản và các nước châu Âu (Úc, New Zealand, Pháp).

Do đó, Hợp tác xã Green Life cũng rất cần các cấp, ngành liên quan tạo điều kiện hơn nữa về vốn đầu tư để Hợp tác xã xây dựng, mở rộng và phát triển thêm những sản phẩm từ mật ong như dược phẩm tinh bột nghệ mật ong, bánh, kẹo và mỹ phẩm (son dưỡng, kem dưỡng da, sữa tắm)…

Mở rộng thị trường cho thương hiệu mật ong Hòa Bình ảnh 5Thương hiệu "Mật ong Hợp Tiến", huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu thị trường và chiếm được lòng tin của khách hàng. Ảnh: Vũ Hà. TTXVN

Ông Hoàng Văn Tuân, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện nay toàn tỉnh Hòa Bình có 9 sản phẩm mật ong được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh gồm có mật ong Hợp tác xã nuôi ong Văn Tiến, phường Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình; mật ong Hợp tác xã nuôi ong xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy; mật ong Hợp tác xã Yên Tân, xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy; mật ong Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đại Lợi, xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy; mật ong Hợp tác xã nông nghiệp xã Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy; mật ong Hợp tác xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn; mật ong Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Thành An, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn; mật ong rừng Hợp tác xã Green Life và mật ong Thượng Tiến - Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thượng Tiến, xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi.

Tỉnh Hòa Bình đã và đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất các sản phẩm OCOP thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, sàn thương mại điện tử quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, tiến tới ký hợp đồng hợp tác dài hạn.

Cùng với đó, kết nối người dân, nhà quản lý, nhà khoa học và hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ... để từng bước cải thiện năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, OCOP và sản phẩm đặc trưng của địa phương; trong đó có sản phẩm thương hiệu “Mật ong Hòa Bình”

Ông Hoàng Văn Tuân cho biết thêm, thời gian tới, từ nguồn vốn hỗ trợ, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục thực hiện hỗ trợ những hợp tác xã, doanh nghiệp hợp lý để giúp các đơn vị có sự đầu tư, hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm để đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu thị trường và chiếm được lòng tin của khách hàng.

Vũ Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm