Mở ra cơ hội gửi tế bào gốc máu dây rốn cho người dân nhiều địa phương

Theo Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, ngày càng có nhiều cha mẹ mong muốn lưu giữ tế bào gốc máu dây rốn – “bảo hiểm sinh học” cho con mới chào đời. Tuy nhiên, các ngân hàng tế bào gốc hiện mới tập trung ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một vài địa phương, nên nhiều gia đình phải đi xa, lựa chọn sinh con tại các thành phố lớn để được lưu trữ tế bào gốc.

Mo ra co hoi gui te bao goc mau day ron cho nguoi dan nhieu dia phuong hinh anh 1Máu dây rốn được thu thập từ dây rốn đã cắt khỏi em bé và lưu trữ trong túi chuyên dụng. Nguồn: buudienhospital.vn

Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương xây dựng, triển khai nhiều hình thức thu thập máu dây rốn tại các tỉnh, thành phố để ngày càng nhiều em bé được trao “tấm thẻ bảo hiểm sinh học” quý giá. Theo đó, Viện cử cán bộ về các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ để thu thập máu dây rốn đối với các trường hợp chủ động về thời gian sinh (sinh mổ).

Trong năm 2021, dù dịch COVID-19 lan rộng khắp cả nước nhưng các cán bộ y tế của Ngân hàng Tế bào gốc vẫn đi đến Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An… thu thập máu dây rốn, mang lại cơ hội lưu trữ tế bào gốc cho rất nhiều gia đình.

Bên cạnh đó, Viện phối hợp, chuyển giao kỹ thuật thu thập máu dây rốn với Bệnh viện Đa khoa Tâm Phúc Hải Phòng, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ để những bà mẹ sinh thường và sinh mổ ở các địa phương này đều có thể gửi tế bào gốc cho con mà không cần về Hà Nội sinh. Nhân viên y tế tại các bệnh viện kết hợp được đào tạo để làm chủ hoàn toàn kỹ thuật thu thập máu dây rốn và có thể thu thập máu dây rốn chủ động. Các mẫu máu dây rốn sau khi thu thập được chuyển về Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để điều chế bằng các kỹ thuật chuyên sâu và phức tạp.

Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2012. Đây là cơ sở hàng đầu Việt Nam trong tuyển chọn, thu thập, xử lý, lưu giữ, xét nghiệm và tăng sinh tế bào gốc tạo máu từ máu dây rốn. Ngân hàng có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ chuyên gia, cán bộ được đào tạo chuyên sâu tại các cơ sở hàng đầu về tế bào gốc trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, Nhật Bản.

Theo Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, đến tháng 6/2022, Ngân hàng Tế bào gốc đang lưu trữ trên 5.500 mẫu tế bào gốc máu dây rốn chất lượng cao. Trong đó, nhiều mẫu đã được sử dụng để ghép tế bào gốc tạo máu, cứu chữa và đem đến sự sống cho nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Tế bào gốc sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động phối hợp, chuyển giao kỹ thuật thu thập máu dây rốn với nhiều bệnh viện ở các địa phương. Tại Hà Nội, các cán bộ y tế của Viện luôn trực, sẵn sàng đến các cơ sở sản khoa, thu thập máu dây rốn của các em bé sinh tại các bệnh viện ở Thủ đô.

Tế bào gốc nói chung và tế bào gốc máu dây rốn nói riêng đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi để điều trị nhiều bệnh lý như: Các bệnh về máu và cơ quan tạo máu; bệnh lý về thần kinh, cơ xương khớp; bệnh lý xơ gan, đái tháo đường, tổn thương giác mạc, tổn thương cơ tim, da…; tiềm năng của y học tái tạo, cơ quan, bộ phận cơ thể trong tương lai.

Trương Hằng

Tin liên quan

Nối dài sự sống, ước mơ của người bệnh từ ghép tế bào gốc

Kể từ ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (năm 2006), đến nay, hàng trăm người đã tìm thấy cuộc đời mới sau khi được ghép tế bào gốc. Kỹ thuật này đã mở ra hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; trở thành một “cuộc cách mạng” trong điều trị các bệnh lý về máu và chăm sóc sức khỏe con người.


Các nhà khoa học Nhật Bản tìm ra tế bào gốc giúp tái tạo tóc

Các nhà khoa học Nhật Bản vừa xác định được các tế bào gốc có vai trò quan trọng trong quá trình tái tạo tóc và dự định sẽ tiến hành nghiên cứu lâm sàng để ứng dụng các tế bào gốc này vào việc chữa trị bệnh hói đầu, rụng tóc ở nam giới.


Liệu pháp tế bào gốc - Hy vọng mới cho người mắc bệnh tiểu đường

Phương pháp mới nuôi cấy tế bào sản sinh insulin và việc có thể bảo vệ các tế bào này trước sự tấn công từ hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh sau khi được nuôi cấy tế bào của phương pháp này, có thể mang đến hi vọng mới trong việc điều trị cho người mắc bệnh tiểu đường.



Đề xuất