Mô hình về an toàn giao thông giành giải Nhất thi phổ biến pháp luật thông qua hoạt động văn hóa

Mô hình về an toàn giao thông giành giải Nhất thi phổ biến pháp luật thông qua hoạt động văn hóa

Sáng 8/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi "Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở".

Mô hình về an toàn giao thông giành giải Nhất thi phổ biến pháp luật thông qua hoạt động văn hóa ảnh 1Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao giải nhất cho tác giả Võ Thành Đông - Trung tâm điện ảnh Phú Yên với tác phẩm "Tổ chức biểu diễn, tuyên truyền lưu động gắn với giáo dục pháp luật tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Phú Yên". Ảnh: toquoc.vn

Tác giả Võ Thành Đông (Trung tâm văn hóa và điện ảnh tỉnh Phú Yên) được trao giải Nhất cá nhân với mô hình "An toàn giao thông, hạnh phúc mọi người, mọi nhà". Mô hình này đã tạo ra sự lôi cuốn, bất ngờ cho các em học sinh, giúp các em dễ nhớ, dễ hiểu và những giờ học pháp luật không còn căng thẳng.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức cũng trao thưởng cho 10 cá nhân và 10 tập thể (4 giải Nhì, 6 giải Ba và 10 giải Khuyến khích). Các tập thể có thành tích xuất sắc trong hưởng ứng cuộc thi được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau).

Cuộc thi "Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở" được phát động từ ngày 14/4 đến ngày 30/9. Qua hơn 5 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 1.015 bài dự thi gồm 190 bài tập thể và 825 bài cá nhân. Các bài dự thi được gửi về từ 40 tỉnh, thành phố, trong đó một số địa phương có số cá nhân, tập thể tham gia đông đảo như tỉnh Bắc Ninh (277 bài), tỉnh Cà Mau (124 bài), Bộ đội Biên phòng (166 bài)…

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, đối tượng dự thi đa dạng về tuổi tác, có những em học sinh từ 11 – 14 tuổi nhưng cũng có các cụ ông, cụ bà ngoài 80, như bài dự thi của cụ Trần Ngọc Uy, sinh năm 1938. Không chỉ đa dạng về vùng miền, độ tuổi, cuộc thi còn thu hút nhiều tác giả là người dân tộc thiểu số như Tày, Hoa, Khmer, Mường,…

Ngay sau lễ tổng kết và trao giải cuộc thi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai xây dựng tài liệu hướng dẫn, giới thiệu các sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả. Từ đó, Bộ đề xuất Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương xem xét phổ biến, nhân rộng sáng kiến, mô hình, cách làm hay về phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở trong thực tiễn, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật linh hoạt, từ thực tiễn cơ sở thông qua hoạt động văn hóa cơ sở không chỉ góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, mà còn mang hơi thở của cuộc sống đến với các quy định của pháp luật.

Cuộc thi "Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở" đã góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa ở cơ sở. Đây cũng được đánh giá là một hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ về mục đích, ý nghĩa trong công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đặc biệt là thông qua các hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Góp phần vào thành công của cuộc thi phải kể đến sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, hiệu quả của các cơ quan thông tin, truyền thông ở Trung ương, địa phương, tạo thành đợt cao điểm truyền thông có chiều sâu, sức lan tỏa sâu rộng trên phạm vi cả nước. Công tác truyền thông về cuộc thi được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thực hiện đồng bộ, xuyên suốt trong quá trình diễn ra.

Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm