Mô hình trồng hàng triệu cây xanh để khắc phục những thiếu sót trong việc tái trồng rừng

Mô hình trồng hàng triệu cây xanh để khắc phục những thiếu sót trong việc tái trồng rừng

Trồng nhiều cây xanh để cứu Trái Đất và ngăn chặn biến đổi khí hậu - đây là chính sách môi trường được các nguyên thủ quốc gia cũng như các doanh nghiệp đa quốc gia đều đón nhận và ủng hộ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng một số kế hoạch trồng cây hàng loạt gần đây đã không thành công trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính do không được thực hiện đúng cách, trái lại còn gây hại cho môi trường.

Ông Mika Vanhanen, một cựu giáo viên ở Phần Lan và cũng là nhà sáng lập tổ chức từ thiện trồng cây ENO, đã giám sát hoạt động trồng 30 triệu cây trên toàn cầu thông qua mạng lưới 10.000 trường học. Tuy nhiên, ông thừa nhận một số cây đã chết vì không có đủ nguồn lực để chăm sóc chúng. Năm ngoái, công đoàn ngành lâm nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết gần như tất cả 11 triệu cây trồng trong Ngày lâm nghiệp quốc gia năm 2019 đã chết chỉ sau vài tháng. Trong khi đó, tại Chile, một nghiên cứu cho thấy các chủ đất lợi dụng chính sách trợ cấp khuyến khích trồng cây để thu lợi bằng cách chặt phá những khu rừng đã được trồng rồi sau đó thay thế bằng rừng mới trồng.
Trước thực trạng này, năm ngoái, ông Vanhanen đã hợp tác với chuyên gia "công nghệ môi trường" Pekka Harju-Autti ra mắt mô hình sáng tạo để phục vụ dự án trồng cây quy mô lớn với trọng tâm là thúc đẩy tính bền vững. Chương trình "TreeBuddy" của Vanhanen và Harju-Autti chào mời các doanh nghiệp và cá nhân mua một hoặc nhiều cây làm quà tặng cho khách hàng, nhân viên hoặc bạn bè. Tuy nhiên, không giống như các sáng kiến khác, khách hàng cũng trả tiền cho việc duy trì những cây này trong 25 năm.
Trao đổi với hãng tin AFP, ông Harju-Autti cho biết khi một cây được trồng, người dân địa phương sẽ chụp một bức ảnh được định vị địa lý và nhận 1 euro cho cộng đồng. Một năm sau, họ sẽ chụp ảnh cập nhật tình trạng của cây và lại nhận được 1 euro, tương tự sau 5 năm hay 10 năm tiếp theo. Những đồng euro này được dùng cho việc chi trả phí bảo trì trong năm, với các dịch vụ chăm sóc khác nhau, từ việc tưới nước cho tới bảo vệ cây khỏi bị thú hoang phá ở một số vùng. Bên cạnh đó, một ứng dụng điện thoại thông minh cho phép người dùng theo dõi "khu rừng ảo" của riêng họ, song quan trọng nhất là các khoản thanh toán bảo trì khuyến khích cộng đồng tiếp tục đảm bảo "sự sống" của các khu rừng.

Cho tới nay, "TreeBuddy" đã ghi nhận 30.000 cây được trồng tại Philippines, Tây Tạng (Trung Quốc) và Ấn Độ, cũng như đã đảm bảo đầu tư để mở rộng quy mô lên đến "hàng triệu cây/năm" trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ trong tương lai gần. Hai nhà môi trường Vanhanen và Harju-Autti cho biết với mối quan hệ với 10.000 cộng đồng trồng cây trên toàn cầu mà họ đã xây dựng, kế hoạch này cũng sẽ tránh được các vấn đề như sự du nhập của các loài không phải bản địa hoặc gây thiệt hại cho hệ sinh thái hiện có.

Hồi tháng 1 vừa qua, một nghiên cứu của Anh đã đưa ra 10 "quy tắc vàng" trong việc trồng cây nhằm đảm bảo sự thành công của một số kế hoạch quy mô lớn, bao gồm ưu tiên đặt người dân địa phương ở vị trí trọng tâm của các dự án và để rừng phục hồi tự nhiên. Ông Harju-Autti cho biết đã nhận được nhiều câu hỏi từ các tổ chức trồng cây trên khắp thế giới quan tâm mô hình "TreeBuddy". Ông hy vọng trọng tâm hiện nay sẽ chuyển từ việc trồng cây sang "mang lại sự chia sẻ công bằng cho người dân địa phương vì những nỗ lực bảo tồn cây của họ".

Phương Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm