Mô hình Trạm Y tế lưu động: Nối liền dịch vụ y tế với người dân khi thực hiện giãn cách xã hội

Mô hình Trạm Y tế lưu động: Nối liền dịch vụ y tế với người dân khi thực hiện giãn cách xã hội

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các địa phương đang có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cần thành lập các Trạm Y tế lưu động để chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất cho F0 tại nhà. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến hết ngày 25/8 đã thiết lập được 403 Trạm Y tế lưu động.

Mô hình Trạm Y tế lưu động: Nối liền dịch vụ y tế với người dân khi thực hiện giãn cách xã hội ảnh 1Lực lượng Quân y tại Trạm y tế lưu động số 1 (Phường 6, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) mang các đồ dùng cần thiết (bình oxy, máy đo nồng độ oxy, ống nghe, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang…) để đến nhà F0. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Đại diện đơn vị được Bộ trưởng Bộ Y tế giao hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh thiết lập và vận hành các Trạm Y tế lưu động, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) chia sẻ, việc thành lập các Trạm Y tế lưu động là phù hợp với bối cảnh chống dịch hiện nay. Dù chỉ đi vào hoạt động chưa đầy 1 tuần nhưng các Trạm Y tế bắt đầu cho thấy rõ hiệu quả. Người dân cảm thấy yên tâm hơn vì dịch vụ y tế không bị đứt gãy trong khi thực hiện giãn cách xã hội.

* Ông đánh giá thế nào về mô hình Trạm Y tế lưu động ở Thành phố Hồ Chí Minh?

- Trong bối cảnh số F0 ngày càng tăng thì các cơ sở điều trị (bao gồm các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực...) sẽ bị quá tải, nên triển khai chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng là cần thiết. Chiến lược thành lập các Trạm Y tế lưu động là phù hợp với bối cảnh chống dịch hiện nay và mới chỉ đi vào hoạt động chưa đầy 1 tuần nhưng bắt đầu cho thấy rõ hiệu quả. Người dân cảm thấy yên tâm hơn vì dịch vụ y tế không bị đứt gãy trong khi thực hiện giãn cách xã hội.

Đến nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh có đến 45.000 người cần theo dõi, chăm sóc. Trong đó có 23.000 người đang được theo dõi, chăm sóc tại nhà, còn 22.000 là các ca F0 đã điều trị ở các cơ sở y tế và được chuyển về nhà cách ly, theo dõi tiếp. Đây là đối tượng chính mà các Trạm Y tế lưu động phục vụ. Bên cạnh đó, những người dân khác mắc bệnh thông thường hay có bệnh mãn tính cũng được chăm sóc và điều trị.

* Được giao nhiệm vụ thiết lập và vận hành các Trạm Y tế lưu động, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có những chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

- Từ tháng 7/2021, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã cử lãnh đạo Cục vào hỗ trợ trực tiếp Quận 7 phòng, chống dịch COVID-19. Trong nhiều việc đã làm, việc triển khai mô hình đội y tế lưu động ở xã/phường hoạt động rất hiệu quả, đưa dịch vụ y tế đến tận các hộ gia đình. Có thể xem đấy là tiền thân của Trạm Y tế lưu động.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp giao cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS xây dựng hướng dẫn thiết lập, vận hành Trạm Y tế lưu động cho các tỉnh trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau khi được phê duyệt, chúng tôi đã bắt tay hướng dẫn cho Thành phố Hồ Chí Minh ngay. Chính quyền và ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp rất tích cực trong triển khai xây dựng các Trạm Y tế lưu động trên phạm vi toàn thành phố.

* Lực lượng ở các Trạm Y tế lưu động sẽ được bố trí thế nào để F0 tại nhà được chăm sóc tốt nhất, thưa ông?

- Tại mỗi Trạm Y tế lưu động được bố trí tối thiểu 1 bác sĩ, 3-5 nhân viên y tế và đội ngũ hỗ trợ từ các lực lượng như: tình nguyện viên, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên…

Ngoài lực lượng y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, điều rất đáng mừng là lượng y bác sĩ từ khắp nơi được chi viện vào hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh cũng tham gia hoạt động trực tiếp tại các Trạm tế lưu động. Cục Quân y đã đưa vào 300 bác sĩ quân đội chủ yếu phân bổ cho các Trạm Y tế lưu động. Cùng với đó còn có đội ngũ của Trường Đại học Y tế công cộng, y bác sĩ từ một số tỉnh phía Bắc…

Mô hình Trạm Y tế lưu động: Nối liền dịch vụ y tế với người dân khi thực hiện giãn cách xã hội ảnh 2 Lực lượng Quân y thăm khám cho một cụ bà F0 ở Khu phố 1, Phường 6 (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

* Nhiệm vụ chính của Trạm Y tế lưu động là gì và công tác giám sát các Trạm Y tế lưu động này được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Nhiệm vụ của các trạm này là quản lý, hỗ trợ, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, sớm phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng để có biện pháp chuyển lên tuyến trên kịp thời, hạn chế tối đa tử vong.

Các trạm này cũng triển khai mạnh mẽ việc xét nghiệm COVID-19 tại cộng đồng, đặc biệt là xét nghiệm bằng test nhanh ở các "vùng đỏ", "vùng cam" để sớm phát hiện F0 quản lý cho tốt.

Các trạm này cũng triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đây cũng có thể xem là điểm tiêm chủng hiệu quả. Cùng với đó truyền thông mạnh mẽ đến từng người dân về COVID-19, hướng dẫn cho họ cách phòng tránh và các thắc mắc của người dân. Các trạm lưu động này cũng chịu trách nhiệm khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác để bảo đảm người dân trong vùng dịch vẫn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản kịp thời nhất.

Trạm Y tế lưu động được trang bị đầy đủ bình oxy cố định, bình di động, máy đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, túi thuốc hỗ trợ nâng cao thể lực và các loại thuốc cần thiết khác theo chỉ dẫn của Bộ Y tế.

Giám sát các trạm này là Trung tâm y tế các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Cục Phòng, chống HIV/AIDS tham gia hỗ trợ, hướng dẫn tận tình. Qua thời gian hoạt động, nếu có bất cập nào sẽ được điều chỉnh, hoàn thiện ngay.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

PV (thực hiện)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm